Người mang môn phái này ra với thế giới chính là tổ sư Ngô Đồng (1937 - 2000).
Ông là một võ sư tài hoa, uyên bác và được một thành phố tại Mỹ dành riêng một ngày để vinh danh ông.
Phái võ của truyền thống và hiện đại
Sáng 22-8, chúng tôi may mắn được dự buổi kỷ niệm 50 năm thành lập môn phái cương nhu karate-do tại Huế. Đệ tử của môn phái là những võ sư tóc bạc trắng đến những môn sinh lúp xúp nhỏ xíu đã có mặt từ rất sớm.
Ngày hôm đó còn có đông đủ chưởng môn của các võ phái khắp tỉnh Thừa Thiên - Huế về chung vui. Trong lời mở đầu của mình, võ sư Lê Huy Chương (đại diện võ sinh khóa đầu 1965) chia sẻ rằng:
“Từ năm 1975, đất nước thống nhất, các võ sư của môn phái đã có mặt trên khắp mọi miền đất nước và ở nước ngoài. Nhưng dù ở đâu đi nữa chúng tôi vẫn luôn nhớ về nguồn cội, về tổ phái trên vùng đất này”.
Sự ra đời của môn phái cương nhu karate-do là sự kết hợp giữa võ cổ truyền Việt Nam và võ thuật hiện đại. Người sáng lập môn phái là cố võ sư Ngô Đồng.
Cụ Ngô Đồng sinh năm 1937 tại Hà Nội trong một gia đình có 6 người con trai và ai cũng luyện tập võ từ nhỏ. Ngô Đồng theo học vovinam, rồi vịnh xuân của một võ sư Trung Quốc chuyên làm nghề bảo tiêu ở Vân Nam (Trung Quốc). Sau này ông tiếp tập tu luyện thêm judo, aikido, karate...
Theo những đệ tử đầu tiên của lão võ sư Ngô Đồng, lúc nhỏ ông rất nóng tính. Ông vốn rất ghét tụi du đãng ở Hà Nội lúc bấy giờ nên hay gây sự để đánh đuổi chúng.
Lúc nhỏ, khi gây sự đánh nhau với du côn, Ngô Đồng nghĩ mình là một người tốt, còn đối thủ là kẻ xấu. Vì thế đánh chúng là giúp xã hội bớt đi một tệ nạn.
Võ sư Ngô Đồng, người sáng lập môn phái cương nhu karate-do - Ảnh: Đoàn Cường
Cơ duyên để cho ra đời cương nhu karate-do là vào năm 1956 Ngô Đồng vào định cư tại Huế. Tại đây ông được võ sư người Nhật Suzuki Choiji truyền dạy theo trường phái karate-do cổ điển của Nhật Bản.
Các đệ tử của ông kể lại ban đầu ông Ngô Đồng đã học môn võ vịnh xuân với hai người anh nhưng ông không thích lắm vì các môn võ chuyên về nhu. Còn môn karate-do thì cương mãnh, học rất mau tiến và nhất là thực dụng.
“Lúc đầu tôi chỉ hiểu công dụng của đấm đá mà thôi chứ không hiểu được điều ảo diệu của các môn võ nhu” - lời cố võ sư Ngô Đồng khi nói với các đệ tử.
Ông say mê tập karate, mỗi tuần 5 buổi, ngoài thời gian tập luyện ông còn giúp sư phụ của mình dạy võ cho các môn sinh mới. Ông trở thành một trong những võ sinh đầu tiên nhận đai đen của võ sư Suzuki Choiji.
Võ sư Ngô Đồng cũng đúc kết lại: “Một người học võ mà không có tinh thần đạo đức thì chỉ là một tên du đãng hay một kẻ sát nhân, không có lợi ích gì cho xã hội. Một người học võ mà không có tri thức thì chỉ là một vệ sĩ trên đường phố”.
Võ sư Nguyễn Văn Nhân, chưởng môn phái cương nhu karate-do tại Huế, nhớ lại: “Với kiến thức võ thuật sẵn có của 5 - 6 môn phái đã từng tập luyện, cùng với karate, cụ Ngô Đồng đã vận dụng triết học phương Đông để thành lập nên môn phái mới cương nhu karate-do tại Huế năm 1965”.
Cũng theo võ sư Nhân, môn phái cương nhu karate-do ra đời và lấy biểu tượng Thái cực âm dương làm biểu tượng cho môn phái. Nền dương đỏ, âm đen theo ý của cụ Ngô Đồng thì dương - âm cùng nhau chung sống để tồn tại, bổ trợ cho nhau.
Trong 8 điều tâm niệm, điều đầu tiên: Nguyện luôn cố gắng trau dồi võ thuật để phục vụ Tổ quốc. Trong 8 điều nội quy, điều thứ nhất là học võ để rèn luyện nhân cách và sức khỏe.
Võ đường chính được đặt tại giảng đường Trường ĐH Sư phạm Huế, về sau mở thêm chi nhánh tại ĐH Quảng Đà.
Võ sư Ngô Đồng cùng các đệ tử tại Mỹ - Ảnh: Đ.H.H.
“Mr. Ngô Đồng Day”
Cố võ sư Ngô Đồng không chỉ nổi tiếng với con đường võ thuật mà ông còn nổi danh là một nhà khoa học, một “nghệ sĩ” tài hoa và là người có công lớn đưa môn phái ra với thế giới.
Theo võ sư Nguyễn Văn Nhân, trong thời gian ở Huế, lão võ sư Ngô Đồng còn là một nhà khoa học danh tiếng, là giảng viên Trường ĐH Khoa học Huế, viện trưởng Viện Khoa học Quảng Đà (nay là ĐH Đà Nẵng). Ông còn lấy bằng tiến sĩ về côn trùng học tại ĐH Florida (Hoa Kỳ).
Võ sư Lê Minh Diệu cho biết khi ông Ngô Đồng còn sống, ông còn có tham vọng đưa môn cương nhu karate-do vào học đường, phổ biến ra các tỉnh thành khác ở miền Nam.
Vì thế, khi làm viện trưởng Viện Khoa học Quảng Đà, ông Ngô Đồng đã tổ chức ngay một phòng tập trong khuôn viên Trường lycée Pascal Đà Nẵng. “Chúng tôi gần như trưa nào cũng đi tập từ 12 giờ đến 13 giờ, sau đó thay quần áo và đi học chữ”- võ sư Diệu nhớ lại.
Còn võ sư Hoàng Thống Lập, trưởng tràng cương nhu karate-do tại Mỹ năm 1974 - 1977, cho biết thêm: đầu năm 1971, khi đang là giảng viên của ĐH Huế, với những thành tích xuất sắc trong việc giảng dạy và nghiên cứu, ông Ngô Đồng được cấp học bổng để tiếp tục hoàn thiện chương trình tiến sĩ tại Mỹ. Chỉ sau 3 năm, ông trình luận án hoàn tất bằng tiến sĩ vào tháng 6-1974.
Những ngày đầu đặt chân đến đất Mỹ, ngoài việc nghiên cứu, ông Ngô Đồng còn chuẩn bị cho việc truyền dạy cương nhu karate-do tại đây.
Và lớp võ cương nhu karate-do đầu tiên có gần 20 sinh viên được bắt đầu vào khóa mùa thu tháng 9-1971 ở Trường ĐH Florida, võ đường là nhà ăn của sinh viên. Lớp học thường bắt đầu rất trễ, khoảng 8 giờ tối sau khi sinh viên ăn tối xong, dọn dẹp bàn ghế mới có không gian tập.
Trong số những võ sinh đầu tiên có giáo sư Harvey Cromroy và Freddie Johnson (con trai của giáo sư là Allen Johnson 12 tuổi cũng theo học), hai sinh viên du học từ Huế sang, trong đó có Hoàng Thống Lập.
Điều thú vị là hai cha con giáo sư Freddie Johnson đều lên đai đen vào năm 1974. Còn ông Lập là người đầu tiên lên đai đen và được cấp bằng huyền đai đệ nhất đẳng ở hải ngoại.
Từ võ đường đầu tiên đặt tại nhà ăn, đến tháng 8-1975 cương nhu karate-do đã có đến 500 võ sinh theo học dù tháng 6-1974 võ sư Ngô Đồng đã trở lại Việt Nam.
Năm 1977, võ sư Ngô Đồng trở lại Gainesville, Florida, Hoa Kỳ tiếp tục con đường nghiên cứu khoa học về côn trùng học (entomology) của Trường ĐH Florida.
Với những đóng góp của ông, thành phố nhỏ Gainesville đã lấy ngày 12-8-1994 là ngày “Mr. Ngô Đồng Day”. Theo võ sư Nguyễn Văn Nhân, đây là ngày danh dự chỉ dành riêng cho những người đã có đóng góp lớn cho thành phố Gainesville.
Võ sư Ngô Đồng mất năm 2000 ở thành phố này, nhưng các môn đồ của ông vẫn nhớ mãi câu nói bất hủ: “Nếu không có tinh thần triết học và trưởng thành, một võ sĩ chỉ là một chiến binh đường phố được đào tạo”.
ĐOÀN CƯỜNG - THÁI LỘC
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét