Kinh qua nhiều môn phái, thông thạo nhiều thế võ từ hiện đại đến cổ truyền, võ sư Nguyễn Văn Anh tìm đến và gắn bó với bộ môn “võ khỉ” trong một dịp tình cờ.
Một chiều đầu năm mới, trong tịnh thất của gia đình, võ sư Nguyễn Văn Anh (tự Ngọc Anh, 64 tuổi) hăng say lật giở những tài liệu giới thiệu về bộ môn Hầu quyền đạo – môn “võ khỉ” vốn được xem là một trong những phái võ độc đáo trong kho tàng võ cổ truyền Việt Nam.
Trong kí ức của vị võ sư từng kinh qua và thông thạo nhiều trường phái võ hiện đại như Taekwondo, Aikido, Judo, vật tự do cho đến những thế võ thuộc dòng cổ truyền trong Võ kinh Vạn An, Thiếu Lâm Bắc Phái Vi Đà… thì một trong những môn võ được xem là “cơ duyên” mà ông Ngọc Anh dành nhiều tâm huyết học và nghiên cứu chính là “võ của loài khỉ”.
Võ sư Ngọc Anh trong một thế võ của loài khỉ. Ảnh: Đắc Đức
Vị phó Chưởng môn phái võ Hầu quyền đạo Việt Nam kể rằng năm 1979, trong một dịp tình cờ khi còn đang một cán bộ phụ trách công tác võ cổ truyền ở Thành đoàn Huế, ông được cố võ sư Trương Cảnh mời đến nhà chơi và giới thiệu làm quen một vị võ sư trẻ hơn có tên là Hoàng Thành.
Hợp tính cách, cả hai sau đó kết nghĩa tình huynh đệ, cùng nhau xây dựng phong trào võ thuật quê hương. Do ở chung một nhà, quá trình tập luyện phát hiện người em kết nghĩa có những bài Hầu quyền đẹp mắt, có tính chiến đấu tuyệt vời nên ngỏ ý muốn học để trau dồi thêm kiến thức về võ thuật.
Được em truyền dạy, với tư chất nhanh nhạy nên chỉ trong thời gian ngắn, võ sư Ngọc Anh đã nắm thuần thục những thế căn bản cùng những miếng đòn đặc trưng của môn võ Hầu quyền. Từ đó, hai anh em đã bắt tay nhau biên soạn 5 bài cơ bản về quyền cương để làm nên tảng cho những bài tập căn bản mở đầu cho môn phái Hầu quyền đạo.
“Nhiều lần, tôi dò hỏi sư đệ xem vị thầy nào đã truyền dạy môn võ Hầu quyền cho đệ ấy để được diện kiến nhưng đều bị từ chối trả lời”, ông Anh hồi kể và cho hay đến tận bây giờ bản thân ông cũng không biết gốc tích của những thế võ Hầu quyền mà mình đã được người em kết nghĩa truyền dạy.
Năm 1980, võ phái “Hồng phái – Hầu quyền đạo Việt Nam”, đứng đầu là võ sư Chưởng môn Hoàng Thành, võ sư Nguyễn Văn Anh giữ chức Phó chưởng môn, chính thức được thành lập. Những ngày đầu, việc truyền bá bộ môn “võ khỉ” vốn khá mới lạ ở nước ta gặp không ít khó khăn do sự đón nhận của người dân không nhiều.
Nhưng bằng sự miệt mài tìm tòi, nghiên cứu và luôn nuôi ý niệm muốn truyền bá tinh hoa võ học của bậc tiền nhân đến với công chúng, nhóm võ sư phái võ Hầu quyền dần cũng đưa võ học của môn phái mình phát triển rộng khắp các tỉnh từ Bắc chí Nam, với hàng nghìn môn sinh theo học. Riêng tại Huế, với vai trò là Trưởng môn phái Hầu quyền đạo Việt Nam tại Huế, võ sư Nguyễn Văn Anh đã truyền dạy cho nhiều môn đệ thành danh khi tìm đến với môn “võ khỉ”.
Hơn 35 năm kể từ ngày “bén duyên” và gắn bó cuộc đời với môn võ Hầu quyền, võ sư Nguyễn Văn Anh vẫn hăng say truyền bá võ học dân tộc đến với bạn bè trong nước và quốc tế. Ảnh: Đắc Đức.
Theo ông, môn sinh sau khi nhập môn sẽ được học các bài quyền mức độ thấp đến cao qua 4 giai đoạn luyện từ quyền kỹ đến công phu. Từ những bài Hồng thất quyền, Cương nhu quyền, Bát quái di ảnh quyền, Thập nhị ma vương Hầu… Ngoài ra, còn có các bài luyện Trường côn, Tề mi côn, Thập nhi nhuyễn khúc côn, vốn là những bài võ kết hợp với côn pháp.
Người võ sư từng là huấn luận viên và trọng tài quốc gia môn Vật tự do cho hay, trong “Thập đại hình tượng” của võ học, Hầu (tức khỉ) đứng hạng thứ 9, và là một trong những quyền thuật được đánh giá khó luyện bởi sự biến hóa không ngừng trong từng đòn thế.
Hầu quyền về nguyên tắc là một hệ thống quyền thuật mô phỏng đời sống động tác và cách chiến đấu của loài khỉ giữa cộng đồng hoặc các loài thú khác. Lấy các động tác nhảy, nhào lộn, chụp bắt làm sở trường. Môn võ này đòi hỏi người luyện tập phải phối hợp nhịp nhàng tay, chân và thân pháp phải linh động nhẹ nhàng.
Võ sư Ngọc Anh là người Việt Nam duy nhất được công nhận danh hiệu “Võ sư Quốc tế” do Liên đoàn thế giới Võ học Cổ truyền Việt Nam cấp. Ảnh: Đắc Đức.
“Việc điều hòa hơi thở trong quá trình thi triển công phu là một trong những yếu tố quyết định, vì thế người luyện môn võ này phải tập luyện cách thở. Ngoài ra, đôi mắt phải có tính linh hoạt”, võ sư Ngọc Anh nói và cho hay hiện ở Huế không nhiều người biết đến bộ môn Hầu quyền Đạo như trước kia.
Là Chủ tịch Hội võ cổ truyền Thừa Thiên – Huế, võ sư Ngọc Anh thường xuyên dẫn đầu đoàn võ của địa phương đi thi đấu và giành nhiều danh hiệu cao ở các giải trong nước và quốc tế. Với sự am tường về võ học của nhiều phái võ khác nhau nên tháng 8/2015, võ sư Nguyễn Văn Anh là người Việt Nam duy nhất được công nhận danh hiệu “Võ sư quốc tế” do Liên đoàn thế giới Võ học Cổ truyền Việt Nam cấp.
“Hiện nay, số môn đệ theo học Hầu quyền Đạo không còn nhiều như trước kia nhưng tôi và các vị võ sư khác vẫn muốn truyền đạt những gì tinh túy nhất của môn võ của ông cha cho thế hệ trẻ”, vị võ sư bát đẳng Hầu quyền đạo tâm sự.
Theo Đắc Đức/VnExpress
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét