Karatedo thường được hiểu là con đường tốt đẹp trong cuộc sống để
hoàn thiện nhân cách. Sở dĩ Karate phong phú và có nhiều trường phái là do
từ bên ngoài đưa đến hơn là chính bản thân nó lúc nguyên thuỷ mà có. Năm
1750, Satsunuku (Tode) Sakugawa gặp Kusanku - Một nhà ngoại giao
người Trung Quốc, Trường phái Shorin đã bắt nguồn từ đó. Đến đầu thế kỷ XX, nó
được chia thành bốn hệ phái:
1. Matsumura Seito (Matsumura Seito Shorin Ryu): Là một trong
những trường phái chính của các môn võ ở Okinawa do Sokon Matsumura
sáng lập vào năm 1800 và truyền cho Nabe Matsumura, sau đó là Hohan Soken.
Matsumura Seito Shorin Ryu tổng hợp các kỹ thuật chiến đấu truyền
thống Okinawa là Shuri - Te và Tomari - Te.
2. Shobayashi (Shobayashi Shorin Ryu) (phong cách Rừng
non): Người sáng lập là Eizo Shimabukuro vào năm 1948.
3. Kobayashi Ryu (Shorin Ryu): Người sáng lập là Choshin
Chibana. Ông đặt tên cho trường phái của mình là Shorin Ryu hay
Kobayashi Ryu (phong cách Rừng nhỏ) vào năm 1933.
4. Matsubayashi (Matsubayashi Ryu) còn gọi là Matsubayashi Shorin
Ryu (phong cách Rừng thông): Người sáng lập là Shoshin Nagamine (1947). Nó bao
gồm mười tám bài Kata, bảy thế song đấu Yakusoku Kumite, các thế chiến đấu và
Kobudo (các loại vũ khí). Shoshin Nagamine là người đứng đầu của Matsubayashi
Shorin Ryu. Nagamine đã nghiên cứu với Ankichi Arakaki, Chotoku Kyan và Choki
Motobu. Shorin Ryu là một phong cách nhu của Okinawa. Kỹ thuật nhanh nhẹn
rất thích hợp với một người có cấu trúc cơ thể nhỏ nhắn. Các khía cạnh tinh
thần nghiêm ngặt của nó được coi như là một giáo phái tôn giáo.
Okinawa là nơi hội tụ phát xuất và Nhật Bản là nơi phát triển môn
Không Thủ Đạo hiện đại và các loại vũ khí Kobudo ngày nay. Kobudo là hệ thống
các loại vũ khí tự chế đa phần là nông cụ của người Okinawa dùng để chống lại
các loại vũ khí bằng thép của binh lính các thể chế cai trị họ (xem phần các
loại vũ khí của Karate). Theo các nhà sử học nghiên cứu về quá trình phát triển
của Trường phái Kobayashi Shorin và hệ thống vũ khí Kobudo của Okinawa thì cho
rằng đó chính là nghệ thuật về “Tay” của người Okinawa (Okinawa - Te),
nghệ thuật này đã phát triển một cách độc lập với những hệ thống chiến đấu khác
từ thuở còn sơ khai của nó. Người ta cũng tin rằng với những dấu tích còn sót
lại của hệ thống chiến đấu này, có thể nó đã tồn tại cách đây 1000 năm về
trước. Những người dân sinh sống ở Okinawa đa số là những người nghèo khổ, các
loại vũ khí là nguồn tai họa gieo rắc sự sợ hãi cho họ bởi lệnh cấm sử dụng vũ
khí của nhà cầm quyền đang cai trị hòn đảo này. Okinawa chưa bao giờ được thống
nhất vì những thủ lĩnh cát cứ ở nhiều vùng trên đảo liên tục gây hấn lẫn nhau
để tranh giành quyền lực tối cao. Hậu quả là những tình trạng này đã trở thành
một động cơ mạnh mẽ để dẫn đến những cuộc giao chiến tay không.
Vào giữa những năm 1340, Okinawa bước vào giai đoạn quan hệ thương
mại và chính trị tốt đẹp với Trung Quốc đã cho phép người dân có thể tìm hiểu
nhiều lĩnh vực khác như về hệ thống võ thuật. Đến năm 1372, nhiều
gia đình kinh doanh người Trung Quốc định cư tại Okinawa đã mang theo những kỹ
năng đa dạng, trong đó bao gồm cả những nghệ thuật chiến đấu của người Trung
Quốc.
Xuyên suốt những năm 1400, Okinawa đã trải qua nhiều tình trạng
rối loạn. Đầu tiên là hòn đảo này đã được hợp nhất bởi Hoàng đế Sho Hashi vào
năm 1429. Trong thời gian này một ít người dân Okinawa vẫn còn sử dụng vũ khí.
Tuy nhiên vào năm 1470, Sho En (triều Sho thứ hai) đã ban hành những đạo luật
khắc khe hơn triều đại trước trong đó bao gồm cả lệnh cấm sử dụng và tàng trữ
các loại vũ khí quân dụng. Quân đội dưới quyền của vua Sho đã nhanh chóng được
thành lập trên toàn lãnh thổ Okinawa, vì sợ rằng triều đại ông ta có thể bị lật
đổ. Như một hệ quả, những nghệ thuật chiến đấu bằng tay không đã phát triển xa
hơn và trở nên quan trọng hơn đối với người dân Okinawa. Những ngôi làng lớn ở
Okinawa là những nơi đã phát xuất những phong cách chiến đấu chính yếu của môn
võ Okinawate. Sự phát triển của “Te” đã tiếp diễn trên nhiều năm và đã
được tập luyện hầu như chỉ một số ít người. Sự phát triển đã được tập trung ban
đầu chủ yếu là ba làng Shuri, Naha và Tomari ở Okinawa. Các huấn luyện viên đã
thiết lập phong cách độc đáo cho vùng đó. Từ làng Shuri đã xuất hiện
môn Shuri - Te, làng Naha thì xuất hiện mônNaha - Te và làng Tomari
là Tomari - Te. Kể từ khi Tomari là một thị trấn của nông dân và ngư dân,
người dân làng này không được coi trọng hơn ở Naha và Shuri. Tuy nhiên ở
đây là cái mốc quan trọng trong hình thành và phát triển Karate vì đã xuất hiện
hai bậc thầy đó là Matsumara (1829-1898) và Oyadomari (1831-1905). Những người
này tuy ít nổi tiếng như Itosu hoặc Higashionna nhưng học trò của họ
đóng vai trò quan trọng trong lịch sử phát triển Karate. Oyadomari đã dạy cho
Chotoku Kyan - Người đã sáng tạo ra một trong ba phong cách của Shorin Ryu và
học trò của Matsumara là Choki Motobu cũng rất nổi tiếng là “Người giác đấu
xuất sắc”. Bên cạnh cách chiến đấu bằng tay không, vào thời đó người dân
Okinawa đã bắt đầu sử dụng vũ khí Kobudo như: Bo (gậy lớn dài khoảng 1m82), Eku
(mái chèo dài khoảng 1m60), Kama (liềm cắt cỏ, gặt lúa), Tonfa (tiếng Việt gọi
là Tum pha, là một loại đòn xay, tay cầm của cối xay ngũ cốc và lúa), Nunchaku
(tức côn nhị khúc, đùi quất ngựa hoặc có thể dùng để đập lúa).
Sở dĩ người dân Okinawa được phép sử dụng những loại vũ khí Kobudo
vì bản thân chúng là những nông cụ được sử dụng với mục đích phục vụ cuộc sống
hằng ngày. Nhà cầm quyền ở Okinawa thời bấy giờ đã không ngờ được rằng những
nông dân này lại có thể sử dụng chúng như những loại vũ khí lợi hại để chống
lại họ. Sự thật, những loại nông cụ bình thường của người dân Okinawa đã
làm nên lịch sử, điều đó có thể được chứng minh bằng Tổng liên đoàn Kobudo
Okinawa (Matayoshi Kobudo). Sau đó, người ta bổ sung sử dụng Kuwa (cái cuốc như
một vũ khí tự vệ), Timbe và Rochin (kỹ thuật dùng khiên và đoản kiếm hoặc dao
găm), Nunti Bo (kỹ thuật sử dụng giáo, mác, thương, xiên đâm cá). Ngoài
ra, người ta còn huấn luyện cách sử dụng các vũ khí làm từ những dụng cụ bình
thường như cái vồ, cái chai hay ống khóa. Để tiếp thu được nghệ thuật này,
không những các môn sinh phải tập luyện các bài quyền mà còn phải rèn luyện cơ
bắp cho cứng cáp, nếu không thì không thể thực hành các bài quyền thành công
được.
Những phong cách chiến đấu bằng tay không và có sử dụng vũ khí đã
được thực hành một cách bí mật trong nhiều năm. Có ý kiến cho rằng phong
cách của Te đã chịu ảnh hưởng của nhiều phong cách chiến đấu của
Trung Quốc khác nhau. Shuri - Te theo hình dáng bên ngoài, cách
sử dụng có vẻ giống như “Mai Hoa Quyền”. Trong khi đó Naha - Te thì
được kết hợp với những kỹ thuật trong Lão Giáo. TrongTomari - Te lại thấy
xuất hiện một sự hòa trộn của hai phong cách chiến đấu Trung Quốc nói trên.
Những mâu thuẫn này là nguyên nhân dẫn đến việc hình thành những trường phái
Karate khác biệt của chúng ta ngày nay.
Sau sự kiện năm 1609, lệnh cấm người dân sử dụng vũ khí của Lãnh
chúa Satsuma, mặc dù trong thời gian này lệnh cấm người dân Nhật Bản không được
giao thương với nhiều quốc gia khác còn hiệu lực, người Okinawa vẫn được phép
giao lưu buôn bán với người Trung Quốc. Tiếp đến khoảng giữa năm 1750, một
người Trung Quốc tên là Kusanku
(Kwang Shang Fu, Kung Hsiang Chun) đã được gửi
đến Okinawa, ông là một đại sứ của triều đại nhà
Thanh. Kusanku cư trú tại làng Kanemura, gần thành
phố Naha được sáu năm. Trong thời gian ở tại đây, ông đã bắt đầu dạy
võ Quyền Pháp (Chuan fa còn gọi là Kempo). Môn võ này đã hòa trộn với các nghệ
thuật chiến đấu địa phương ở Okinawa, dần dần nó được biết với tên gọi
là Tode hay Quyền Trung Quốc. Vào năm 1800, Tode đã được đặt tên
lại là Shuri - Te và Tomari - Te, lúc này được người Okinawa gọi
là Shorin Ryu, trong khi đó Naha - Te được gọi là Goju
Ryuvà Uechi Ryu. Mặc dù Kusanku luôn được người dân Okinawa tin rằng ông là
người có địa vị cao nhất và được tôn kính nhất, nhưng ông vẫn luôn cho rằng
mình chỉ là một người bình thường như bao người khác. Sự giảng dạy Tode
Sukugawa của Kusanku đã làm cho hai nền tảng căn bản của “Te” và “Quyền Trung
Quốc” được phối hợp lại làm một về mặt nguyên lý. Những nguyên lý được phối hợp
này chính là những nguyên lý căn bản hiện đại của trường phái Shorin ngày
nay. Bằng các bài quyền này, người luyện tập Karate có thể một mình luyện
các tư thế và miếng võ tới mức thuần thục. Số lượng các bài quyền trong Karate
lên đến bảy mươi bài, nhưng không phải trường phái Karatedo nào cũng luyện đủ.
Một số lưu phái luyện các bài quyền (Kata) có cùng tên gọi, nhưng động tác bài
đó lại ít nhiều khác nhau giữa các lưu phái, nhất là giữa các lưu phái ở
Okinawa và các lưu phái ở Nhật Bản. Có nhiều bài Kata đã thất truyền và cũng có
nhiều bài mới được sáng tác từ thời Minh Trị. Nhiều bài Kata có đến hai tên gọi
do các cao thủ Karate đã sửa tên gọi ban đầu của bài Kata đó nhằm tạo thuận lợi
cho việc phổ biến chúng như: Ananko (Ananku), Aoyagi, Chinte, Chinto (Gankaku),
Hakutsura, Jion, Jiin, Jitte, Kururunfa, Kusanku (Kanku), Naihanchi (Tekki),
Nisheishi (Nijushiho), Nipipo (Nipaipo), Passai (Bassai), Pechulin
(Suparempei), Pinan (Heian), Rohai (Meikyo), Saifa, Sanchin, Sanseryu
(Sanseru), Seipai, Seiunchin, Seisan (Hangetsu), Shisoochin, Sochin, Tensho,
Unsu, Usheishi (Gojushiho), Wanduan (Wandoo), Wankuan, (Matsukaze), Wansu
(Empi). Ngoài ra còn có những bài quyền riêng biệt như Taikyoku (Shotokan và
Shotokai), Gekisai (Goju Ryu).
Ngày nay, Kata trở thành nội dung thi đấu trong một số phong
trào thể thao. Sau đây là một số bài quyền do các bậc thầy tiền bối đã
đóng góp cống hiến trong quá trình phát triển Karate hiện đại:
-
Kusanku (Kwang Shang Fu): Ông đã dạy môn Tode Sakugawa và
sáng tác quyền Kusanku.
- Sokon (Bushi) Matsumura: Sáng tác các bài quyền Passai và Chinto.
-Yasutsune (Ankoh) Itosu: Sáng tác các bài quyền Pinan, Naihanchi Nidan,
Naihanchi Sandan, Passai Sho, Passai Dai, Kusanku Sho, Kusanku Dai.
- Chosin Chibana: Sáng tác quyền Gojushido.
- Shuguro Nakazato: Sáng tác quyền Shorin Ryu Shorikan.
Nguyên tắc chính trong việc hướng dẫn văn hóa đạo đức của Karatedo
là không cho phép một người biết Karate gây thương tích hoặc tấn công đối
phương trước, trừ phi bị dồn vào chỗ bế tắc. Vì vậy Gichin Funakoshi đã nói:
“Trong Karate không có kỹ thuật tấn công”, chiều hướng giải quyết chính
trong những trường hợp này vẫn chỉ là hóa giải và luôn luôn trong tư thế tự vệ.
Karatedo không đơn thuần chỉ là những kỹ thuật đấm đá tay không mà nó bao gồm cả
quá trình tu tập tinh thần song song với rèn luyện thể chất. Kỹ thuật song song
với đạo đức đã được nung đúc trên nền tảng triết lý đạo Phật (Bukyo), Thần đạo
(Shinto) và Võ đạo (Budo). Trong đó tâm thế đạo đức Phật giáo là yếu tố tinh
thần, còn Thần đạo và Võ đạo là yếu tố hành vi ứng xử trong cuộc sống xã hội.
Chữ Do của Karate - Do có nghĩa là Đạo - là con đường dẫn dắt chúng ta đến Chân
- Thiện - Mỹ. Các võ sư Karate thường khuyên các đệ tử phải tu luyện sao cho có
thể hợp nhất được tinh thần và thể chất thành một khối thống nhất, không thể
tách rời nhau. Mô hình ứng xử lý tưởng theo các võ sư phải là: “Bắt ý thức phải
lệ thuộc vào thể chất; còn thể chất phải tuân thủ sự chi phối của ý thức mình”.
Một thành tố quan trọng của mô hình đó là phải tuân thủ những đức lệ mà mọi võ
sinh phải rèn luyện thật dày công trong suốt cả cuộc đời hoặc trong từng chặng,
mới hy vọng trở thành một người hiểu biết đúng đắn, rõ ràng về Không Thủ Đạo.
Một Karateka chân chính phải rèn luyện cả hai mặt văn hóa và kỹ thuật song
hành và phải có hứng thú cả hai. Chiêm nghiệm bản thân và cuộc sống qua
một số câu danh ngôn của các bậc tiền bối như:
“ - Chiến thắng vạn quân không bằng tự chiến thắng mình”
“- Khuất phục kẻ xấu bằng con đường hòa bình chính là mục đích của
Karatedo”
“- Người học võ không chỉ rèn luyện thể chất và kỹ năng chiến đấu,
mà phải hành đạo thông qua võ thuật, đó là Võ đạo”
“- Người biết dẹp bỏ tự ái thì trau dồi được nghệ thuật, người gặp
ân oán biết hóa giải là người hiểu được Đạo”
“- Cái mà Karatedo muốn đạt tới chính là phép đối nhân, xử thế; kỹ
thuật chiến đấu chỉ là phương tiện”
“- Không khắt khe, ta khó lòng sống sót. Không mềm mỏng, ta sẽ
chẳng đáng sống ở đời”
“- Vết thương bằng gươm giáo có thể lên da non, nhưng vết thương
tinh thần thì chẳng bao giờ lành sẹo”
“- Người biết lượng thứ không phải là người ngu ngốc, kẻ ngu ngốc
thường là những kẻ chẳng hề biết tha thứ”
“- Làm giàu tri thức là làm giàu ứng xử, giúp người là giúp mình”
“- Không có trung tâm, không có giới hạn là có chân lý”
“- Nếu sức mạnh mà không có công lý thì sức mạnh đó trở nên vô
nghĩa”
“- Đạo đức, phẩm hạnh con người không chỉ là nền tảng của một cuộc
sống có ý nghĩa mà còn là bản lề của sự thành công”
“- Giúp người nấu cơm thì được ăn, giúp người đánh nhau thì chảy
máu”
“ - Cái mất không bao giờ mất hẳn, cái còn không hẳn mãi là còn”
“ - Hạnh phúc là cho và sống vì người khác”
“- Tinh thần Võ đạo là sống quên mình. Diệt bỏ tự ngã, khổ luyện
trong sinh tử, chắc chắn sẽ tịnh tiến, vì diệt bỏ tự ngã là tức là đang sống”
Bạn tập Karatedo được một thời gian khá dài mới thẩm thấu
được môn nghệ thuật này, nó luôn tạo hưng phấn kích thích sáng tạo với cảm giác
bình yên và một niềm tin vào cuộc sống. Nó luôn hấp dẫn như bình minh tươi sáng
và trong lành nên không làm bạn nản lòng khi tập luyện hàng vạn lần chỉ một
động tác đơn giản. Trong Karate bạn phải không ngừng đẽo gọt, tinh luyện và
sáng tạo nó mới trở thành vô chiêu thức. Người tập không một hệ thống mặc định
nào mới được sự tự chủ, tự tại và có “Tâm vô uý, Trí vô ngại”. Bạn nên giữ tâm
tĩnh lặng, thần trong sáng dù đó là một ngày bão tố hay một ngày bình yên và
luôn tin rằng bao giờ cũng là bước đầu tiên mới có ánh sáng tương lai như người
Nhật Bản nói: “Thiên lý bắt đầu là một bước chân”. Karate đã được người Nhật
“Đạo hoá” như một loại hình nghệ thuật trong nền văn hoá Viễn Đông. Đó là hợp
nhất sự đơn giản, tinh khiết, tĩnh lặng, hòa giải, an bình, lễ nghĩa của
văn hóa truyền thống và tín ngưỡng dân tộc mà biến thành Zen. Người Nhật Bản
thường nói: “Hoa đẹp nhất là hoa Anh đào, người đẹp nhất là người Võ
sĩ”. Vẻ đẹp của hoa anh đào là vẻ đẹp thầm kín bên trong người võ sĩ, tuy
không phô diễn hương sắc nhưng dịu dàng, tinh khiết, khi nở cũng như lúc tàn,
đời hoa rất đẹp. Nó ẩn chứa sức sống mãnh liệt trong cộng đồng trời đất, cũng
như người Võ sĩ đạo, luôn có một phong thái sống hòa hợp, tôn kính, tinh tấn và
tĩnh lặng (Hòa, Kính, Tịnh, An). Do lối sống rất khuôn mẫu về đạo đức nên giới
Võ sĩ đạo (Samurai) luôn khiêm tốn và dũng cảm, trung nghĩa và nhân từ, ảnh
hưởng vai trò của các tôn giáo: Thần đạo, đạo Nho, đạo Phật trong nền văn hoá
Nhật Bản. Chúng ta nên hiểu Karatedo (Không Thủ Đạo) tức nghệ thuật tự vệ, với
nghĩa rộng Kara là tánh không (Sunyata), không biên độ giữa trời,
người và đất; trạng thái cơ bản tận cùng của vạn vật.
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét