Karatedo là môn võ thuật phát triển từ hòn đảo Okinawa - Nhật Bản từ năm 1922, được người Nhật tâm huyết đem nó áp dụng vào cuộc sống xã hội để giáo dục đạo đức, vun trồng nhân cách, đào tạo con người từ lớp mầm non. Đó là những đức tính tự tin, tự giác, quả cảm, trọng danh dự, đức nhân từ, tính lễ độ, đức chính trực công bằng, nghĩa trung thành, lòng thành thật, sự tự chế, tinh thần trách nhiệm vì lợi ích cộng đồng và văn hóa ứng xử.
Sau thế chiến thứ II, Karate-Do được truyền rộng ra nhiều nước trên thế giới, trong đó có Karate-Do Việt Nam lần đầu tiên tại Huế bởi thầy Suzuki Choji. Năm 1945, kết thúc đệ nhị thế chiến, thầy Suzuki Choji ở lại Việt Nam, lập gia đình cùng người Việt, lấy tên Việt Nam là Phan Văn Phúc. Sau hiệp định Geneve 1954, thầy cùng gia đình về định cư ở Huế, mở trường dạy Karate-Do. Đạo đường đặt tại số 8 Võ Tánh - Huế. Huế trở thành quê hương của Karate-Do Việt Nam, và từ đây, Karate-Do lần lượt phát triển khắp ba miền.
Tại khu vực miền Nam Việt Nam, sau giải phòng thống nhất đất nước, võ sư Trương Đình Hùng – là một trong những môn đồ đầu tiên của thầy Suzuki Choji, đã chuyển gia đình vào tỉnh Đồng Nai định cư và năm 1981 thành lập đạo đường CHOJU Karate tại phường Tân Tiến và sau đó 5 năm chuyển về Tam Hiệp, Thành phố Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai.
Võ sư TRƯƠNG ĐÌNH HÙNG – hiện tại với đẳng trật Huyền đai đệ Bát đẳng, Phó Trưởng tràng Hệ phái SUZUCHO KARATEDO VIỆT NAM không chỉ là người sáng lập đạo đường Choju, mà còn là người truyền bá hệ phái Suzucho Karatedo trong toàn miền Nam Việt Nam trong suốt 36 năm qua.
Đến nay, Đạo đường đã đào tạo hàng ngàn Huyền đai, Huấn luyện viên, đa số đã tốt nghiệp Đại học và khẳng định được vị thế trong xã hội. Trong đó, nhiều HLV đã trở thành Cán bộ trung, cao cấp trong công tác lãnh đạo, quản lý các ngành: Hành Chánh, Công Nghiệp, Giáo Dục, Y Tế, Hải Quan, Kiểm Sát…đặc biệt ở lực lượng Công An Nhân Dân và Quân Đội Nhân Dân Việt Nam. Nhiều Huấn Luyện Viên xuất thân từ Đạo đường CHOJU đã tham gia huấn luyện, phát triển nhiều Tỉnh - Thành trên toàn quốc như: Thành phố Hồ Chí Minh, Tỉnh Bình Dương, Tây Ninh, Bà Rịa, Thành phố Vũng Tàu, Vĩnh Long, Bến Tre, Quãng Ngãi, Sơn La, Yên Bái, vv…
Nhiều cao đồ của Đạo Đường đã được Chưởng Môn cấp văn bằng Huyền đai Lục đẳng như: Vũ Thanh Dần, Phạm Thế Hưng,... Huyền đai Ngũ đẳng như: Phạm Xuân Thanh, Quách Văn Châu, Trác Thái Huy, Lưu Văn Khải, Đồng Mạnh Hùng, Vũ Tuấn Hùng, Bùi Quốc Tĩnh, Lê Bá Công, Phan Lê Trọng Phúc, Nguyễn Hữu Mạnh, Nguyễn Văn Đủ, Trần Đức Khải, Trần Phú Thành, Đặng Công Kinh Luân, Đặng Ngọc Tiền,….
Với tôn chỉ “Trực – Đạo - Hạnh”, ngay từ ngày đầu thành lập, Võ sư Trương Đình Hùng đã đưa ra các tiêu chí cốt lõi để được nhập môn cho các môn sinh của mình. Môn sinh gia nhập đạo đường được yêu cầu phải luôn lấy nền tảng chính trực làm gốc, tôn trọng lẽ phải, giữ gìn tư tưởng và tinh thần đạo đức cốt lõi để hướng đến hoàn thiện hai yếu tố tinh thần và thể chất. Đó chính là lý do đạo đường Choju phát triển môn đồ rộng khắp như hôm nay.
Đến với đạo đường Choju, môn sinh không chỉ có luyện tập thể chất, mà còn được lĩnh hội những giá trị cốt lõi của tinh thần nhân văn, đạo – hạnh của một võ sĩ Suzucho Karatedo.
Võ sư Trương Đình Hùng - Huyền Đai Đệ Bát Đẳng Karatedo, Phó Trưởng tràng Suzucho Ryu
(Thành viên BCH Hệ phái nhiệm kỳ 1990 - nay)
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét