Bảo tồn, phục hồi và xây dựng nên phương pháp tập luyện thống nhất, hiện đại hòa nhập vào tinh thần truyền thống sẵn có không phải là điều xa vời, và điều quan trọng là chúng ta cần phân biệt rõ, loại bỏ những gì không phải là bản sắc đặc trưng cũng như những mạo nhận vì mục đích cá nhân.
Màn biểu diễn những điệu múa võ cổ truyển
VÕ TÂY SƠN
Đã có khá nhiều tài liệu, công trình nghiên cứu về những chiến công của nhà quân sư thiên tài Quang Trung Nguyễn Huệ trong công cuộc thống nhất đất nước, đánh tan 3 tập đoàn phong kiến, phá tan 2 đạo quân xâm lược. Đã có những cuộc hội thảo cấp quốc gia tập trung đông đảo các nhà khoa học quân sự ở những trận đánh nổi tiếng: Ngọc Hồi - Đống Đa, Rạch Gầm - Xoài Mút…
Tuy nhiên, đi sâu nghiên cứu về võ nghệ Tây Sơn, tìm hiểu cách sử dụng vũ khí hay phương pháp tập luyện của nhà Tây Sơn, hiện nay chúng ta còn có những lúng túng.
Theo tư liệu chúng tôi có được, võ Tây Sơn được nói đến sớm nhất ở dạng văn bản là từ ông Hồ Hữu Tường, đăng trên tạp chí Phương Đông từ số 01 đến số 06, năm 1972, tác giả, với các đề mục võ Tây Sơn đã xây dựng một hệ thống tập luyện từ thấp đến cao gồm 4 bài thảo bộ cho 4 cấp đó là các bài: YÊN PHI, THẦN ĐÔNG LÃO MAI và NGỌC TRẦN, ông là một nhà chính trị sống ở miền nam trước năm 1975. Theo chúng tôi ý định của ông ta xây dựng võ phái Tây Sơn theo yêu cầu chính trị hơn là theo yêu cầu chuyên môn.
Sau khi giải phóng có khá nhiều sách báo nói về võ Tây Sơn - Bình Định, nhưng nổi bật nhất là 3 tập sách “Miền đất võ” I, II, III của một nhóm tác giả do ông Lê Thì chủ biên. Đây là một công trình nghiên cứu có một số đông góp đáng trân trọng.tuy nhiên cũng có những vấn đề chưa được thấu đáo, thiếu căn cứ khoa học, làm cho một số người am hiểu cũng như các thầy võ trong tỉnh có phản ứng và bất bình. Ví như, “Miền đất võ” tập 3 cho rằng “Tam thâu tùy hành pháp” là bài thảo roi của cụ Hồ Ngạnh nhưng không lý giải được và thật ra bài này không rõ hoặc chưa rõ xuất xứ.
Ngoài ra còn có những thầy võ vốn sinh ra và lớn lên, tập luyện trên vùng đất võ nhưng họ xáo xào rồi tự nhận môn phái này, môn phái nọ để rồi những trang viết của họ chẳng đem lại giá trị đích thực cho những yêu cầu bức thiết mà dân làng võ mong muốn.
VÕ BÌNH ĐỊNH
Theo tư liệu chúng tôi có được, tập sách võ của ông Trương Thanh Đăng với đề mục “Võ cổ truyền Bình Định”, xuất bản vào năm 1968 được xem là một trong những văn bản nghiên cứu về võ Bình Định sớm nhất, ông Trương Thanh Đăng vốn người miền nam, học võ ở các ông cử võ vùng Bình Định rồi học võ của các thầy võ người Hoa nổi tiếng. ông đã tổng hợp rồi chế ra “Bát bộ thoát chiến quyền” và nâng cao lên bằng những bài thảo võ như: THIỀN SƯ, THẦN ĐÔNG, sau năm 1972, học trò của ông Trương Thanh Đăng là Phan Chân Thanh có tái bản tập sách này.
“Bát bộ thoát chiến quyền” là một phương pháp tập luyện do ông Trương Thanh Đăng tổng hợp từ kiến thức võ nghệ vùng Bình Định và vốn liếng học được của các vị thầy võ người Hoa, nên không thể cho rằng đó là phương pháp tập luyện võ truyền chính thống được!
Năm 1971, ông Diệp Bảo Sanh có xuất bản cuốn sách “Võ thuật Bình Định chân truyền” ông Diệp Bảo Sanh vốn quê An Thái, xã Nhơn Phúc, An Nhơn, là con ông Diệp Tường Phát, một hào phú gốc Hoa rất đam mê võ nghệ, ông Phát năm 13 tuổi được cha mẹ cho sang quận Chiêu An tỉnh Phúc Kiến, Trung Hoa học võ, sau đó còn sang Hồng Kông học tiếp rồi về vùng An Thái, học hỏi rút tỉa thêm tinh hoa và tự xưng là phái võ An Thái, Bình Định.
Theo cuốn sách đã dẫn, CHỈ PHÁP gồm có 10 CHỈ PHÁP như: Cương đao chỉ, Xà tín chỉ, Long tu chỉ… CƯỚC PHÁP gồm 9 loại tấn, THỦ PHÁP gồm có 16 cử động gọi là Liên hoàn thập lục thủ.
Ông Diệp Tường Phát là một người mang 2 dòng máu Hoa – Việt ông đã học võ ở Trung Hoa, rút tỉa kinh nghiệm ở vùng ta rồi sáng lập ra phái võ. Ta có thể cho rằng phái võ của ông Phát (còn gọi là ông TÀU SÁU) không chính thống võ cổ truyền Bình Định chứ không thể cho rằng phái võ do ông sáng lập và võ Tàu, vì qua thực tế chúng ta vẫn thấy người dân Bình Định, nhất là vùng An Thái chấp nhận và tập luyện theo phái võ ông. Tuy nhiên, việc xuất bản cuốn sách và những va chạm của Hội võ thuật Bình Định và con ông Phát là Diệp Bảo Sanh năm 1972 là những tranh chấp mang tính cục bộ và thời sự bấy giờ. Theo chúng tôi, qua những mẫu chuyện của những người cùng thời ông TÀU SÁU, phải công nhận ông là người có tinh thần thượng võ khá cao, có kiến thức võ nghệ, uyên thâm và người dân Bình Định vẫn lưu giữ hình ảnh tốt đẹp về ông cũng như phương pháp tập luyện do ông xây dựng nên.
Phân biệt để thống nhất
Về võ Tây Sơn – võ Bình Định, chúng tôi nghĩ phải nghiêm túc cùng nhau bàn bạc vì tư liệu thành văn đã có nhưng quá mới mẻ và không ít võ đoán. Cần phân biệt sự khác nhau và giống nhau của võ Tây Sơn, võ Bình Định vì trong giai đoạn ở vài thế kỷ trước, lịch sử có những đảo lộn, những quan điểm đối nghịch nhau, ngay cả hiện nay, chúng ta vẫn thường cho rằng võ Bình Định là võ Tây Sơn, thiết nghĩ cần phân biệt rõ để chọn lấy cái tinh túy của từng bộ môn rồi đi đến thống nhất, đó mới là điều cần thiết.
Từ những suy nghĩ trên, qua điều tra điền dã ở nhiều nơi trong tỉnh nhất là cùng Tây Sơn hạ, thu nhận được nhiều thông tin cụ thể, phối hợp với những tài liệu thành văn, chúng tôi thấy có những vấn đề cần làm rõ.
Ví dụ: Hầu như tất cả các thầy võ ở Bình Định đều cho rằng bài thảo bộ NGỌC TRÂN là bài thảo mực thước nhất, hoàn chỉnh nhất trong hệ thống tập luyện võ nghệ vùng Bình Định. Về chuyên môn chúng tôi đồng ý. Nhưng về lịch sử, tại sao chúng ta vừa cho rằng “đó là bài thảo thi của nhà Nguyễn” vừa lại khẳng định “Đó là bài võ thuộc dòng Tây Sơn” sư võ đoán, hời hợt trong nghiên cứu là không thể chấp nhận được.
Nhiều người cho rằng nhà Tây Sơn có phát sinh ra một dòng võ. Theo tôi việc phong trào Tây Sơn có phát sinh hay không phát sinh ra một dòng võ không hề giảm đi giá trị mà nhà Tây Sơn đã cống hiến cho dân tộc, cho đất nước. chúng ta cũng đừng lợi dụng uy tín của nhà Tây Sơn để nêu lên những điều chưa được nghiên cứu rõ rang, chính xác hoặc xác định một cách vội vã, phi khoa học, làm thế là có tội với tiên nhân và cả với lớp người sau. phong trào nông dân ở thế kỷ 18 do anh em nhà Tây Sơn lãnh đạo là một phong trào rất to lớn, có ý nghĩa lịch sử lớn, bởi vậy, dù muốn tìm hiểu một góc độ nào cũng cần có những kiến thức và hiểu biết cơ bản về dân tọc học, xã hội học, quân sự học… trong giai đoạn lịch sử đó, được như vậy chúng ta mới giải quyết vấn đề xác đáng, cụ thể hơn.
Dưới thời Tây Sơn, chính sách “cải ấp lập đôi” khá phổ biến ở vùng Bình Định và ăn sâu, bén rễ vào từng cộng đồng xã hội, nơi đã sản sinh ra nó. Từ đó hình thành nên những LÀNG VÕ mà qua thời gian, qua bao biến động lịch sử, LÀNG VÕ cứ tồn tại và giữ được cái hào hùng của võ trong sinh hoạt các cộng đồng. dù phương tiện tập luyện là võ Tàu, võ ta hay võ Tây cũng chỉ do yếu tố lịch sử, còn vùng đất đầy sinh khí này vẫn tồn tại dáng dấp của nhà Tây Sơn, vị lãnh tụ thiên tài Quang Trung - Nguyễn Huệ đã biết vận dụng sức bền vững của làng xóm Việt Nam kết hợp với tinh thần thượng võ của một vùng đất và chính sách “Cải ấp lập đội” là động lực cơ bản làm phát sinh và tồn tại những làng võ bất diệt trên đất Tây Sơn - Bình Định.
Bảo tồn, phục hồi và xây dựng nên phương pháp tập luyện thống nhất, hiện đại hòa nhập vào tinh thần truyền thống sẵn có, theo chúng tôi, không phải là điều xa vời, và điều quan trọng là chúng ta cần phân biệt rõ, loại bỏ những gì không phải là bản sắc đặc trưng cũng như những mạo nhận vì mục đích cá nhân.
Nguyễn Vĩnh Hảo
nguyên Huấn luyện viên võ thuật đội tuyển quốc gia SEAGAME 19 (1997)
nguyên Ủy viên ban chấp hành liên đoàn võ cổ truyền Bình Định
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét