Trên đất võ Bình Định, cao nhân không ít. Thế nhưng được giang hồ phong là “hùm xám” thì chỉ có hai. Đó là võ sư Hà Trọng Sơn và võ sư Lý Xuân Hỷ.
Ở đất võ Bình Định xưa nay, ngoài những cao thủ được thừa hưởng bí truyền của dòng họ, còn có nhiều quái kiệt võ nghệ xuất chúng nhưng không xuất hiện trên đấu trường mà chỉ ngang dọc giang hồ; giai thoại về họ cũng thú vị không kém.
Trên đất võ Bình Định, cao nhân không ít. Thế nhưng được giang hồ phong là “hùm xám” thì chỉ có hai. Đó là võ sư Hà Trọng Sơn và võ sư Lý Xuân Hỷ.
Lật đầu tháo khớp
"Hùm xám miền Trung" là biệt danh của võ sư Hà Trọng Sơn, quê ở thôn An Hòa, xã Phước An (Tuy Phước, Bình Định).
Học võ từ năm lên tám, 16 tuổi thượng đài, trong con người của “Hùm xám miền Trung” thấm đầy những tuyệt chiêu của nhiều trường phái võ Việt - Tàu - Tây. Ở cái tuổi mà lũ trẻ trong làng chỉ biết đánh bi, đánh đáo thì Hà Trọng Sơn đã mê võ. Ông được người anh họ, vốn là môn đồ của các võ đường nổi tiếng ở An Vinh (Tây Sơn), An Thái (TX. An Nhơn) truyền cho.
Lớn lên nghe tiếng ông Beo, người Tàu, sống ở vùng Tây Sơn thượng đạo (An Khê), có bàn tay luyện võ như móng cọp. Vừa tò mò vừa ngưỡng mộ, ông Hà Trọng Sơn liền tìm đến bái sư.
Mới 17 tuổi, Hà Trọng Sơn đã được giới võ thuật khắp nơi biết đến từ những giải đấu lớn. Ngày ấy, một quan ba người Pháp là đồn trưởng đồn Mang Cá ở Huế một lần xem võ đài có ông Sơn thi đấu, nhận thấy ông đúng là cao thủ nên mời về Huế dạy quyền Anh.
Võ sư Hà Trọng Sơn lúc sinh thời
Trong thời gian ấy, ông Sơn đã hạ gục võ sĩ người Pháp. Tại hội thi võ thuật Đông Dương tổ chức ngày 12/10/1944 ở Tourane (Đà Nẵng), ông đấu với một võ sĩ người Pháp là Esperpaire và đạt giải vô địch.
Sau đó, tại các Hội chợ được tổ chức ở Bình Định và Đà Nẵng, chức vô địch miền Trung tiếp tục lọt vào tay ông. Ông còn có trận đánh bất phân thắng bại với cao thủ vô địch Đông Dương là Kid Demsey. Biệt danh “Hùm xám miền Trung” là được báo chí lúc ấy đặt cho.
“Thiên bẩm võ thuật, ông ấy tinh thông các trường phái võ học. Bàn tay của ông cứng và sắc như móng cọp, nhãn pháp như cú mèo, thủ pháp vững như bàn thạch... Đặc biệt, ông ấy rất giỏi quyền Anh. Võ sư Hà Trọng Sơn cao to, lúc thượng đài trông rất mạnh mẽ. Trong giai đoạn cuối đời của cố võ sư Hà, một lần chuyện phiếm, tôi được biết, dẫu ông có bị đánh gãy xương vẫn không thấy đau vì ông thường ngâm người trong chum thuốc mã tiền", lão võ sư Phi Long Vịnh kể lại.
Trận đấu hiện vẫn được truyền tụng trong giới võ thuật là trận ông đấu với võ sĩ Ku Xam Thum (người Việt, gốc Thái Lan) vào năm 1960 diễn ra tại Bồng Sơn (Hoài Nhơn, Bình Định). Theo lời kể của nhiều lão võ sư, đêm chung kết năm ấy, Ku Xam Thum đã thắng đo ván võ sĩ Đỗ Thanh Trì, khiến các võ sư địa phương ấm ức. Các võ sư kỳ cựu của làng võ miền Trung kiến nghị xin mở thêm một võ đài đặc biệt chỉ dành riêng cho Ku Xam Thum và Hà Trọng Sơn.
Vốn người mê tín nên khi đấu võ Ku Xam Thum thường ngậm lá bùa trong miệng. Sau hơn 10 phút quần thảo, bước vào hiệp quyết định, Hà Trọng Sơn sử dụng chiêu “Đề khí thiết công phục lôi hổ giáng” (gióng trảo bấu vai, lật đầu tháo khớp), một thế đánh cực độc, võ sĩ Ku Xam Thum ngã quỵ xuống sàn.
"Hùm xám miền Trung" giã từ cõi thế đã hơn 3 năm nay nhưng những giai thoại về ông vẫn mãi được truyền tụng.
Độc chiêu "mèo rửa mặt"
Nếu như “Hùm xám miền Trung” thẩm thấu nhiều trường phái võ thuật thì “Hùm xám cao nguyên”, võ sư Lý Xuân Hỷ (75 tuổi), ở phường Đập Đá, TX. An Nhơn (Bình Định) vang danh trong giới võ thuật nhờ vào những miếng đánh trong bài quyền có tên là “Miêu tẩy diện” (mèo rửa mặt).
Bài quyền này được ông tổ của dòng họ Lý có tên là Lý Thế dựa theo sự nhanh nhẹn, nhẹ nhàng của loài mèo dựng nên. Cái độc của bài quyền “Miêu tẩy diện” là ở những bộ chỏ thuộc bộ thủ (tay), ra đòn rất nhanh, gây khó dễ cho đối thủ khi cận chiến.
“Tôi theo cha là võ sư Lý Tường học võ từ năm 8 tuổi nhưng phải đến 4 năm sau cha mới dạy cho bài quyền “Miêu tẩy diện”, võ sư Lý Xuân Hỷ nói.
Khi đã tập luyện thuần thục, nhờ những miếng đánh của con mèo thấm vào máu thịt nên dẫu đã hàng trăm lần thượng đài, võ sư Lý Xuân Hỷ chỉ một lần nếm mùi thất bại, nhưng chỉ là thua điểm chứ không thua nốc ao.
Võ sư Lý Xuân Hỷ múa bài quyền “Miêu tẩy diện”
Không kể lúc đã về già, thời trai trẻ võ sư Lý Xuân Hỷ có số cân nặng rất “khiêm tốn", chỉ chừng 50 - 55 kg nhưng đối thủ mà ông chọn luôn nặng hơn mình từ 10 - 20 kg. Tuy nhiên, mỗi khi ông ra đòn “Miêu tẩy diện” thì đối phương bao giờ cũng bị hạ gục.
Năm 1990, võ sư Lý Xuân Hỷ cùng Liên đoàn Võ thuật Việt Nam sang Nga dự Festival Võ thuật cổ truyền quốc tế (16 nước tham gia). Đối thủ của ông là một võ sư Ba Lan người cao lớn, nặng hơn ông gần 10 kg.
Khi ông Hỷ đoạt HCV tại giải vô địch Cao nguyên Trung phần, báo chí lúc ấy gắn cho ông biệt danh “Hùm xám cao nguyên”. Theo võ sư Lý Xuân Hỷ, bài quyền “Miêu tẩy diện” có hơn 20 động tác dù rất tha thướt lắm, nhẹ nhàng, không gây tiếng động, đánh mà như không nhưng là một ẩn họa cực lớn với đối phương khi bị tấn công. Khi sử dụng trảo thì như mèo, như hổ; khi thì dùng ngón điểm chỉ vào tử huyệt đối phương. |
Đến giờ thượng đài, thấy ông Hỷ đứng yên, chẳng thủ thế gì cả, đối thủ của ông ngạc nhiên hỏi bằng tiếng Việt lơ lớ: “Sao không chuẩn bị”? Ông trả lời: “Võ thuật Việt Nam đứng như không thủ cũng là thủ rồi". Võ sư Ba Lan tức khí, xông vào đá thật mạnh, Lý Xuân Hỷ tránh đòn rồi trả miếng quật ngã đối phương xuống sàn đấu.
Lửa giận phừng phừng, đối thủ của ông ngồi dậy phóng một đòn trực diện vào mặt võ sư Lý Xuân Hỷ. Cứ như con mèo điềm tĩnh vuốt mặt, ông né đòn rồi “gắn” cái chỏ vào ngực đối phương, rồi không để đối phương hoàn hồn, ông ra tiếp đòn thứ 2 vào bụng dưới khiến võ sư Ba Lan ngã xuống sàn. Đối thủ của ông gượng đứng dậy nhưng không phải để đấu tiếp mà để quỳ xuống bái sư phụ.
Gần đây nhất, võ sư Lý Xuân Hỷ kể, vào năm 2007, một võ sĩ người Ý tìm đến đến tận nhà tìm thách đấu với võ sư Lý Xuân Hỷ. Võ sĩ này còn trẻ lại nặng hơn ông những 30 kg nhưng ông vẫn nhận lời. “Thấy tướng tá võ sĩ ấy to lớn, lại trẻ, tôi cũng gờm nhưng vì sĩ diện quốc gia nên tôi nhận lời thách đấu. Tôi giao ước chỉ đấu 30 phút, kéo dài sức già chịu không thấu”, võ sư Hỷ bộc bạch.
Vào trận, ỉ vào đôi chân dài, đối thủ liên tục dùng cước pháp tấn công võ sư Lý Xuân Hỷ nhưng không thể chạm được vào người đối phương. Đến khi đối thủ tung cước vào mặt, Lý Xuân Hỷ né đòn rồi ngồi thụp xuống quét vào chân trụ khiến đối phương đổ ập trên sàn đấu, lúc đó trận đấu mới chỉ diễn ra được vài phút.
Võ sư Lý Xuân Hỷ kể thêm, sau trận đấu, võ sĩ người Ý ngỏ ý muốn học vài đường quyền pháp. Anh ta cho biết đã ngưỡng mộ võ sư Lý Xuân Hỷ từ năm 1990, khi chứng kiến ông hạ gục võ sư người Ba Lan. Trước khi sang Việt Nam lần này, anh ta đã sang Trung Quốc học võ Thiếu Lâm 3 năm với 3 người thầy khác nhau.
VŨ ĐÌNH THUNG
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét