Tương truyền, vào thời thượng cổ, Hồng Quân lão tổ dạy cách tu tiên cho ba đệ tử là Ngưu Thỉ, Thông Thiên và Thái Thượng. Ông Ngưu Thỉ sau đó chế tác ra Thiên Cang, Ngũ Hành, Bát Quái. Thái Thượng và Thông Thiên luyện được Địa chi và Thú Hình quyền. Ba môn gọi chung là “võ tiên” khác “võ Phật” của phái Thiếu Lâm do tổ sư Bồ Đề Đạt Ma sáng lập. Thái Thượng Lão Quân về thiền định tại núi Côn Luân truyền lại cho đời môn võ công của mình được gọi là Đàn Thoái hay võ phái Côn Luân (còn gọi là Côn Lôn) sau này.
Chưởng môn phái Côn Luân Lý Hồng Hon trong một thế đao
TUỔI THƠ DỮ DỘI CỦA LÝ VÕ SƯ
Năm 1932, khi lên hai tuổi, cậu bé Lý Hồng Hon phải theo gia đình sang Việt Nam lánh nạn bởi thân phụ là thành viên tổ chức Thiên Địa Hội bị chính quyền Trung Quốc truy nã. Được ông nội là Lý Thành Hỷ - chưởng môn đời thứ năm võ phái Côn Luân, người tỉnh Thanh Hải - Trung Quốc dạy võ nên từ bé Lý Hồng Hon đã được tập xuống tấn, đi quyền, phóng cước. Nơi đất khách quê người, cả gia đình làm nghề nhuộm vải, làm ruộng, trồng bông tại khu Xóm Đất (Lò Siêu, Q.6) lúc này vẫn đầy cọp, heo rừng, trâu rừng, cá sấu...
Sau thời gian dạy võ cho một số thanh thiếu niên tham gia đánh Tây, thân phụ Lý Hồng Hon bị mật thám bắt đưa ra tận Phú Quốc (Côn Đảo), nhà bị đốt, cả gia đình phải lánh nạn tại một chòi lá ở khu Nhị Tỳ Quảng Đông (cư xá Bình Thới, Q.11 ngày nay), sau đó dạt sang trường đua Phú Thọ rồi khu Mái Đá (Ngô Quyền, Q.10). Võ sư Lý Hồng Hon bùi ngùi : “Cả nhà tôi lúc đó phải đi ăn xin, anh Ba tôi đi chăn bò, bà già gánh nước mướn, suốt cả năm chỉ toàn ăn khoai và cơm cháy xin được. Do nghèo khổ nên bị đám bạn cùng xóm rẻ khinh, ngày nào tôi cũng choảng nhau với chúng bởi bị gọi là “thằng Tiều chó”! Năm 9 tuổi, Lý Hồng Hon đi giữ ngựa cho ông Ba Ngà (giao lộ Ngô Quyền - Hòa Hảo, Q10) may mắn được võ sư Lý Sol (người Khmer) truyền dạy một số chiêu thức Thiếu Lâm Bắc phái Triều Châu, ông này là võ sĩ đấu đài nổi tiếng sân Tinh Võ thập niên 40, học trò ruột võ sư Hia Ba Sen, một địa chủ ở Bạc Liêu.
Trong thế “Hạc tấn”
Năm 16 tuổi (1947), dịp may đến với Lý Hồng Hon. Qua võ sư Lai Quý (người Hẹ), bác ruột của ông là Dương Chí Minh - chưởng môn phái Côn Luân, từ Sơn Đông lặn lội qua Việt Nam đã tìm được người cháu nội của Lý Thành Hỷ là Lý Hồng Hon để truyền dạy tuyệt kỹ võ công môn phái Côn Luân. Sau bốn năm miệt mài khổ luyện, năm 1952, Lý Hồng Hon xuất sư, đến 1954 chính thức nhận chức chưởng môn phái Côn Luân cho đến nay, với biệt hiệu Thanh Vân tự Hồng Phong.
Các môn sư võ phái Côn Luân thích sống cuộc đời ẩn dật, giản dị, không phô trương môn phái, mỗi sư trưởng chỉ nhận truyền dạy không quá mười đệ tử, vì vậy môn phái Côn Luân nghe nói rất nhiều nhưng ít người được học. Võ phái Côn Luân của chưởng môn Lý Hồng Hon khác Côn Luân Bắc phái (Võ lâm Chánh tông hay Thập bát La Hán quyền, tức 18 môn binh khí của Võ lâm Chánh tông) do võ sư Đoàn Tâm Ảnh – học trò của Mộc Đức thiền sư sáng lập. Kể từ đời Mãn Thanh đến nay, các đạo sĩ sau đây đã kế tục nhau làm chưởng môn võ phái Côn Luân là Nhạc Nguyên Hùng, Vũ Thiếu Lang, Nhạc Phong, Lý Thành Hỷ, Dương Chí Minh.
Sau khi đắc thụ võ học, Lý Hồng Hon tham gia hoạt động thành, để tạo vỏ bọc che mắt địch, ông tham gia đánh võ đài với biệt danh Thanh Vân, từng vô địch 21 tỉnh thành miền Nam và miền Trung từ 1950-1953, đến năm 1954, Lý Hồng Hon theo “các anh” tập kết ra Bắc gia nhập sư đoàn 330 rồi sư đoàn 338. Võ sư – nhà cách mạng Lý Hồng Hon đã nhận được Huân chương Lao động hạng 3 (do Bác Hồ ký), Huân chương Kháng chiến chống Pháp hạng I (do Bác Hồ ký), Huân chương Kháng chiến chống Mỹ hạng I (do đồng chí Trường Chinh ký), Huy hiệu 50 năm tuổi Đảng cùng nhiều bằng khen, giấy khen, huân, huy chương kháng chiến các loại.
Võ sư Lý Hồng Hon đã đào tạo nhiều môn đệ lừng lẫy như Mã Triệu Sinh, Tạ Khởi Đức, Hà Hồng Câu (mở võ đường ở Canada), Tăng Hòa, Mạc Nam, Lương Tiến Hưng (Thụy Sĩ), Long Khởi Thụy (Đức)... và hai người con là võ sư Lý Hùng Thắng và Lý Hồng Quyền.
Võ sư Lý Hồng Hon
YẾU LĨNH CÔNG PHÁP PHÁI CÔN LUÂN
Đặc điểm võ thuật môn phái Côn Luân; tiến thoái rõ ràng, động tác nhanh lẹ, đường quyền rành rẽ. Khi tấn đi như gió, đứng trụ như đinh đóng vào gỗ, lên nhanh như vượn leo cây, xuống gấp như chim ưng bắt mồi, né tránh chui lòn như rắn bò, động như mãnh hổ vồ mồi, tịnh như núi non, chiêu pháp nhanh chậm, cứng mềm rõ ràng, không rối loạn. Sức mạnh (kình) chặt, thân chỉnh, một khí thông suốt, chiêu liền chiêu, thế tiếp thế, thế đứt nhưng khí phải liền. Động thì ào ạt như gió cuốn mây tan, tỉnh thì đột ngột như gương nước hồ lặng sóng.
Trong thập bát binh khí của võ phái Côn Luân, sở trường là hai bài Song kiếm hí nguyệt (26 thế) và Thâm huyệt phong kiếm (32 thế). Bài Song kiếm hí nguyệt đánh ba mặt, trong đó có một số tuyệt kỹ như Cổn thân phách kiếm, Bạch hạc xung thiên, Hoa phong xảo hài tả, Thiên hạc lan vũ ; bài Thâm huyệt phong kiếm đánh 4 hướng (phải - trước và trái - phải) với các thế kiếm bí truyền như Chuyển hạc tấn phách kiếm, Hoành mã đảo ảnh kiếm, Loan thoái thích tả kiếm, Tà khai đảo phong kiếm, Cổn phong u hồn kiếm, Tầm châu uyển địa, Tả thủ tiếp kiếm... Kiếm pháp Côn Luân thủ trên đỡ dưới kín đáo, khi loan kiếm, ánh kiếm bao bọc thân người thành hình tròn, đường kiếm không vẹo, lệch, không rời rạc, loạn xạ.
Hiện nay, vào mỗi buổi sáng trong tuần, võ sư chưởng môn phái Côn Luân Lý Hồng Hon truyền dạy võ thuật tại Công viên Văn hóa Tao Đàn (mặt đường Bùi Thị Xuân, Q1) và khám chữa bệnh tại tư gia (99 đường số 8, P4Q8, TPHCM).
(Còn tiếp)
Ngọc Thiện (CATP)
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét