Lam Sơn võ đạo, môn phái Võ thuật cổ truyền Việt Nam do võ sư Quách Văn Kế sáng lập, đã gắn liền với địa danh lịch sử, văn hoá mang hơi thở một thời chiến đấu bảo vệ tổ quốc, quê hương.
Võ sư Quách Văn Kế (1897 - 1976)
Sinh tại Tô Lịch, Hà Nội. Vốn đam mê và có năng khiếu võ thuật, thời trẻ ông thọ giáo với danh sư Ba Cát (cử nhân võ cuối cùng triều Nguyễn), tiếp đến năm 1918 bái Đại sư Hàn Bái (Lê Bái) làm thầy bên cạnh võ sư Vũ Bá Oai. Năm 1930 ông vào Sai Gòn lập nghiệp, duyên kỳ ngộ gặp chân nhân Bảy Mùa (Nguyễn Văn Bảy) truyền dạy võ công. Sau 33 năm kiên trì khổ luyện dưới sự chỉ dạy cuả các danh sư Tam Nhật (Hàn Bái, Ba Cát, Bảy Mùa), ông nổi tiếng là một võ sĩ và đô vật không có đối thủ thời bấy giờ. Năm 1949 võ sư Quách Văn Kế quyết tâm chấn hưng võ đạo, thành lập Hội Thể dục Thể thao Lam Sơn, sau chính thức trở thành Lam Sơn võ đạo. Võ sư Quách Văn Kế là một trong Tam Nguyệt (Trương Thanh Đăng, Vũ Bá Oai, Quách Văn Kế).
Năm 1960 ông được quần hùng võ thuật bầu chọn làm Chủ tịch Tổng cuộc quyền thuật Việt Nam (Miền Nam). Ông đào tạo nhiều võ sư danh tiếng như Quách Phước, Nghiêm An Thạch, Nguyễn Văn Du, Huỳnh Thị Ngọc Sương, Nguyễn Sô. Võ sư Quách Văn Kế giã từ trần thế năm 1976, quyền chưởng môn Lam Sơn võ đạo trao lại cho con út là võ sư Quách Phước.
Võ sư Quách Phước sinh năm 1933 tại Sài Gòn, nguyên quán Hà Nội, là một họa sĩ tài hoa, nhà giáo, nhiếp ảnh gia tên tuổi trong làng nghệ sĩ Sài Gòn. Ông tập võ với cha từ bé, khi lớn lên thụ giáo cùng các võ sư bác sĩ Đỗ Như Ánh (học trò lớn của võ sư Vũ Bá Oai), võ sư Thanh Vân (Thiếu Lâm Bắc phái Thăng Long), võ sư Lê Văn Kiển (chưởng môn võ phái Nam Tông). Ông bắt đầu huấn luyện võ thuật năm 18 tuổi (1951) tại đền thờ Trần Hưng Đạo, quận I, Sài Gòn. Ông cũng từng được đại hội bầu chọn làm Tổng thư ký Tổng cuộc quyền thuật Việt Nam (Miền Nam) nhiều năm liền. Năm 1969 ông cùng các võ sư Tám Kiển, Trần Xil, Mười Mách, Kim Kê, Từ Thiện, Xuân Bình, Minh Sang… thành lập Tổng hội nghiên cứu Võ học Việt Nam. Võ sư Quách Phước đã đào tạo nhiều võ sư và huấn luyện viên tiếp nối Lam Sơn võ đạo là các võ sư Đặng Đức, An Văn Siêu, Lam Ngọc, Hồ Ngọc Toàn (đang huấn luyện tại Australia), Quách Phát và võ sư Jacques Trần Văn Ba (đang huấn luyện tại Montpellier, Pháp). Ngoài ra võ sư Quách Phước còn biên soạn sách về Lam Sơn võ đạo.
Võ sư Toàn nhận Bạch Đai từ Chưởng môn Quách Phước
Võ sư Nguyễn Văn Du (tên thân thương thường gọi là anh Ba Du), sinh năm 1937 tại Sài Gòn, ông là một trong ba học trò lớn (đại đệ tử) của võ sư Quách Văn Kế từ những ngày đầu thành lập Hội Thể dục Thể thao Lam Sơn (người thứ nhất là võ sư Quách Phước, người thứ hai là võ sư Nghiêm An Thạch và người thứ ba là võ sư Nguyễn Văn Du). Võ sư Nguyễn Văn Du là chủ tịch đầu tiên và nhiều nhiệm kỳ kế tiếp của Hội Võ thuật cổ truyền tỉnh Đồng Nai, ông là một trong những trọng tài quốc gia đàn anh nòng cốt của Liên đoàn Võ thuật cổ truyền Việt Nam. Ông đào tạo nhiều võ sư, võ sĩ, vận động viên cho Đồng Nai, võ đường chính Lam Sơn võ đạo của võ sư Nguyễn Văn Du tại huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai. Con trai ông là võ sư Nguyễn Võ Tấn Hùng, sinh năm 1972 tại Đồng Nai, tài hoa, là trọng tài quốc gia của Liên đoàn Võ thuật cổ truyền Việt Nam. Nguyễn Võ Tấn Hùng thành danh trên con đường Thể dục Thể thao, hiện là Trưởng bộ môn các môn Võ thuật cổ truyền, Wushu, Muay, Boxing, Kickboxing, Thể dục dưỡng sinh và Lân sư rồng của Sở Văn hoá Thể thao và Du lịch tỉnh Đồng Nai.
Võ sư Jacques Trần Văn Ba, sinh năm 1950 tại Sài Gòn trong một gia đình dòng dõi về văn học, y học và võ thuật, ông là cựu sinh viên Viện Đại học Sài Gòn, thọ giáo Lam Sơn võ đạo với võ sư Quách Phước. Trong những năm 1968 - 1971 ông tham gia thi đấu, trải nghiệm những giờ phút ngọt bùi và cay đắng trên võ đài Sân Tinh Võ, Chợ Lớn (Dans les années 68 - 71, j'ai donc pu “m'exprimer” et acquérir quelques expériences heureuses et malheureuses sur le ring du stade Tinh Vo à Cholon - Maître
1. Trần Văn Ba), ông học giỏi, du học Pháp trước năm 1975, là kỹ sư, võ sư Võ cổ truyền Việt Nam, 7 đẳng FFKDA Pháp (Fédération Française de Karaté et Disciplines Associées). Võ sư Jacques Trần Văn Ba phát triển Lam Sơn võ đạo tại Pháp thành công với nhiều võ đường.
Là người có trình độ học vấn cao, nên trong việc huấn luyện võ sư Jacques Trần Văn Ba còn chuyên tâm nghiên cứu võ học, võ đạo, ông biên soạn những bộ sách giá trị “Lịch sử võ thuật Việt Nam giữa huyền thoại và thực tế” (Histoire des arts martiaux Vietnamiens entre mythes et réalite), và bộ “Lam Sơn võ đạo”, tập I - Võ và tập II - Đạo, viết và xuất bản bằng tiếng Pháp năm 2002 (Le Lam Son Võ Đạo, Livre I - Võ, Livre II - Đạo).
Sách Lịch sử võ thuật Việt Nam giữa huyền thoại và thực tế (Histoire des arts martiaux Vietnamienes entre mythes et réalite), võ sư Jacques Trần Văn Ba biên soạn cô đọng về truyền thuyết, lịch sử Việt Nam từ thời Hồng Bàng đến hết triều đại nhà Nguyễn, đặc biệt chú trọng Tây Sơn tam kiệt (Les trois héros de Tây Sơn: Nguyễn Nhạc, Nguyễn Huệ, Nguyễn Lữ), Tây Sơn thất hổ tướng (Les sept tigres de Tây Sơn: Võ Văn Dũng, Võ Đình Tú, Trần Quang Diệu, Nguyễn Văn Tuyết, Lê Văn Hưng, Lý Văn Bưu, Nguyễn Văn Lộc), Tây Sơn ngũ phụng thư (Les cinq phenix de Tây Sơn: Bùi Thị Xuân, Bùi Thị Nhạn, Nguyễn Thị Dung, Huỳnh Thị Cúc, Trần Thị Lan), những trường phái, môn phái (Les styles, Les écoles), và những đại danh sư võ thuật cổ truyền (Les grand experts) tương đối đầy đủ thông tin làm tài liệu quý báu cho các thế hệ sau tìm hiểu, nghiên cứu, học hỏi, đặc biệt cho người Pháp.
Sách Lam Sơn võ đạo tập I, ông cùng võ sư Quách Phước biên soạn giới thiệu Lam Sơn võ đạo, căn bản công gồm Tấn pháp (techniques de positions), Thủ pháp (techniques de mains), Cước pháp (techniques de pieds), Thập bát bộ hổ quyền (Les 18 enchainements du tigre), Tiểu hổ quyền (Le jeune tigre), cùng một số kiên thức quan trọng khác.
Sách Lam Sơn võ đạo tập II, ông biên soạn công phu, thiên về quan niệm “Đạo” trong võ thuật cổ truyền, ảnh hưởng từ tư tưởng Phật giáo (Le courant Bouddhiste); Khổng giáo (Le courant Confucianiste); Đạo giáo (Le courant Taoiste). Võ đạo (La voie de l’art martial); Âm Dương (Yin Yang); Thiên (trời) - Nhân (người) - Địa (đất) (Ciel - Homme - Terre, la nature et l’énergie interne); Ngũ hành (Les cinq énergies); Khí công (Les techniques du souffle); Vận khí đan điền (Développer le Chi le Dan Dien); Nội công và ngoại công (Énergie interne et énergie externe); Thiền định (La méditation); Võ thuật cổ truyền trong dựng nước, giữ nước (Les arts martiaux à travers les guerres); Võ thuật cổ truyền ba miền của Việt Nam (Les arts martiaux à travers les 3 régions du Việt Nam).
Võ sư Jacques Trần Văn Ba đang sống và dạy Võ cổ truyền Việt Nam tại thành phố Montpellier, tỉnh lỵ của Hérault, thuộc vùng hành chính Languedoc-Roussillon, miền Nam nước Pháp. Người Việt Nam xa quê hương ai cũng muốn trở về, võ sư Jacques Trần Văn Ba là thế hệ những người được lớn lên và trưởng thành tại miền Nam Việt Nam trong môi trường giáo dục lấy đạo đức làm nền tảng, những bài học đầu đời của thế hệ ấy là công cha, nghĩa mẹ, là “Gia huấn ca”, là “Nhị thập tứ hiếu”… những tư tưởng nuôi “nhân tính” cho con người. Bởi vậy, không phải ai cũng có thể thấu hiểu và chia xẻ được, trừ người ấy trải nghiệm cuộc đời trên những nẻo đường thiên lý của đức hạnh.
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét