Sưu tập - Chia sẻ - Bảo tồn sách Võ Thuật Phi lợi nhuận
"Ta đã cạn nước mắt, mất tiếng cười vì cuộc đời, nhưng ta đã được quay về với linh hồn trắng trong, nhân hậu của NGƯỜI THỰC NGƯỜI. Nhưng ta đã vượt khởi lên trên những tối tâm, tội lỗi của NGƯỜI CHẲNG NGƯỜI. Bao đớn đau tan hồn, nát xác người đã gieo ở ta, ta đã gặt hái những bông hoa cao đẹp nhất ở sự THƯƠNG YÊU và THA THỨ vô bờ" - DI NGÔN CỦA CỐ VÕ SƯ SÁNG TỔ NGUYỄN LỘC (từ một đêm mưa gió bão bùng của núi rừng Tam Ðảo, tỉnh Vĩnh Yên - Bắc Việt) - "Venu dans une vie de larmes, j'ai perdu le rire à cause de la vie, mais je suis retourné à l'âme immaculée, généreuse de l'homme, en homme vrai. J'ai surmonté, au-delà de l'obscur, du péché de l'homme, mais non pas l'homme. L'homme a semé en moi toute douleur, âme fondue, corps écrasés, j'ai récolté les plus belles fleurs dans l'amour et la tolérance infinie" - Les dernières paroles du Grand Maître Fondateur NGUYỄN LỘC (lors d'une nuit de pluie orageuse pluvieuse sur les forets et montagnes de Tam Ðảo, à la province de Vĩnh Yên - Nord du Vietnam).
|
TIỂU SỬ CỐ VÕ SƯ NGUYỄN LỘC
SÁNG TỔ MÔN PHÁI VOVINAM - VIỆT VÕ ÐẠO (1912-1960)
Dáng người dong dỏng cao, oai dũng. Mắt sáng, trán rộng, cằm nở. Nét mặt trầm mặc, cương nghị. Lối nhìn thẳng, sắc và sâu thẳm. Tiếng nói uy nghiêm, hòa ấm, thân mật. Nụ cười cởi mở, khoan dung, độ lượng...
Đó là nét độc đáo của một bậc Thầy tôn quý. Một đấng sinh thành của một Môn phái võ đạo, với sứ vụ duy trì, bảo vệ và phát triển truyền thống hào hùng, bất khuất, nhân bản của dân tộc Việt. Một người tiên phong đầy tính khai phá và sáng tạo trong cuộc chinh phục lớn lao của con người : đó là vượt thắng sự hèn yếu của thể chất và tinh thần trong mọi trường hợp và hoàn cảnh.
Bậc kỳ tài đó chính là hình ảnh bất diệt của Cố Võ Sư NGUYỄN LỘC, vị Sáng Tổ Môn phái Vovinam - Việt Võ Đạo.
Ông NGUYỄN LỘC sinh ngày 08 tháng 04 năm Nhâm Tý ( 24-5-1912 ) tại làng Hữu Bằng, huyện Thạch Thất, tỉnh Sơn Tây (Hà Tây, nay thuộc Hà Nội). Ông là trưởng nam trong một gia đình có 5 anh chị em (3 trai và 2 gái). Thân phụ là cụ ông Nguyễn Đình Xuyến và thân mẫu là cụ bà Nguyễn Thị Hòa.
Ông lớn lên trong thảm cảnh mất nước, giữa lúc các phong trào cách mạng và phóng đảng đang phát triển trên đất nước. Một bên, các nhà chí sĩ cách mạng âm thầm vận động, cổ súy tinh thần yêu nước trong quốc dân để thúc đẩy thanh niên đi vào con đường cách mạng. Một bên, bọn thực dân dùng mọi thủ đoạn để ru ngủ quần chúng, đem lợi danh mua chuộc, huyển hoặc thanh niên, biến họ thành đội quân tiền phong của phong trào xoa hoa, trụy lạc.
Ông phê phán và lên án gắt gao dã tâm của bọn thực dân, và Ông quan niệm muốn đưa cuộc cách mạng dân tộc đến chỗ thành tựu, cần phải gây cho thanh niên một tinh thần dân tộc, một ý thức học tập, tu dưỡng, một ý chí quật cường, một nghị lực quả cảm, song song với một thân thể khỏe mạnh, vững chắc, có sức chịu đựng bền bỉ, dẻo dai, có đầy đủ khả năng tự vệ hữu hiệu.
Làm cách mạng để tiến tới thành công là một điều rất khó, song bảo vệ thành quả cách mạng để bước sang giai đoạn kiến thiết lại là điều khó hơn. Ông NGUYỄN LỘC muốn đóng góp cho đất nước những thế hệ thanh niên biết sống, biết cống hiến. Với quan niệm đó, Ông chú trọng hướng dẫn thanh niên về mặt "Tâm Thân cách mạng".
Mang hoài bão lớn lao ấy, nên ngoài việc trau giồi học vấn và đạo đức, Ông còn nỗ lực sưu tầm, học hỏi, nghiên cứu, luyện tập nhiều môn võ thuật. Ông nhận thấy môn võ nào cũng có những ưu điểm, đặc điểm, song với thể tạng mảnh khảnh nhỏ bé của người Việt, nếu chỉ đem phổ biến một phương pháp nào thôi thì khó mà đạt được kết quả như ý.
Hơn nữa, trong mọi cuộc chiến đấu, vấn đề tinh thần và danh dự vẫn là hai yếu tố quan trọng để quyết định sự thành bại. Bởi vậy, ngoài phần võ thuật và tinh thần võ đạo, Ông còn muốn ràng buộc các môn đệ vào danh dự Tổ quốc, nghĩa là thanh niên Việt Nam phải có phương pháp tự vệ mang danh dân tộc Việt Nam, tiêu biểu cho tinh thần tự chủ bất khuất của tiền nhân để khi chiến đấu phát huy được cái hùng khí, quyết bảo vệ và đem vinh quang về cho Tổ quốc, cho Môn phái...
Với luận cứ đó, ông NGUYỄN LỘC đã không ngừng tìm tòi học hỏi, nghiên cứu từ môn Võ và Vật cổ truyền Việt Nam đến việc phối hợp, thái dụng các tinh hoa võ thuật trên thế giới để sáng tạo thành một môn phái riêng, đặt tên là VOVINAM.
Năm 1938, cuộc nghiên cứu hoàn tất. Ông đem VOVINAM ra huấn luyện cho một số thân hữu cùng lứa tuổi để thể nghiệm môn võ mới do mình sáng tạo.
Hơn một năm sau, mùa thu 1939, Ông đem lớp võ sinh đầu tiên công khai ra mắt dân chúng tại Nhà hát lớn Hà Nội. Cuộc biểu diễn thành công rực rỡ nên Hội Thân Hữu Thể Dục mời Ông cộng tác, tổ chức những lớp võ công khai cho thanh niên Hà Nội. Lớp đầu tiên được khai giảng vào mùa xuân năm 1940 tại Trường Sư Phạm Hà Nội. Sau đó, nhiều lớp võ liên tiếp được tổ chức. Môn sinh VOVINAM thời đó rất tiến bộ nhờ phương pháp huấn luyện khoa học, thực tiễn, nhờ tinh thần dân tộc sáng chói của Môn phái và nhất là ảnh hưởng cái gương "Uy vũ bất năng khuất" của Sáng Tổ Nguyễn Lộc.
Năm 1945, Ông NGUYỄN LỘC lập gia đình cùng cô Nguyễn Thị Minh là con của cụ ông Nguyễn Ngọc Hoán và cụ bà Bùi Thị Ngọ. Sau 15 năm chung sống, ông bà NGUYỄN LỘC có được 9 người con (3 trai và 6 gái).
Năm 1954, Ông vào Nam cùng một số môn đệ tâm huyết và mở trường dạy VOVINAM tại đường Thủ Khoa Huân - Sài Gòn và một số nơi khác.
Ông NGUYỄN LỘC mất ngày mùng 04 tháng 04 năm Canh Tý (29/04/1960) tại Sài Gòn và được ang táng tại Nghĩa trang Mạc Đĩnh Chi, sau khi ủy thác quyền lãnh đạo Môn phái cho người môn đệ tâm huyết là Võ sư Lê Sáng - Chưởng môn VOVINAM. Hiện nay di cốt của Cố Võ Sư Sáng Tổ được bảo quản tại Tổ đường Môn phái số 31 đường Sư Vạn Hạnh, phường 3, quận 10, Thành phố Hồ Chí Minh.
Suốt cuộc đời tận tụy, hy sinh để góp phần xây dựng nền võ đạo cho dân tộc, Ông đã để lại một sự nghiệp võ học lớn lao cho hậu thế. Hơn 70 năm qua, Môn phái Vovinam - Việt Võ Đạo đã phát triển rộng khắp đến hầu hết các tỉnh, thành trong nước và lan rộng đến nhiều nước trên thế giới. Danh xưng NGUYỄN LỘC - VOVINAM đã là những từ quốc tế hóa. Theo đà phát triển chung, Môn phái cũng đã từ bước chuyển mình thành môn võ đạo quốc tế, đúng theo tâm nguyện Sáng Tổ - Võ Đạo Phục Vụ Con Người.
Hàng năm, những môn đồ kế nghiệp từ bốn phương trời hướng về ngày giỗ Ông – bậc Thầy của nền võ đạo dân tộc - đốt nén hương tưởng niệm, đặt bàn tay thép lên trái tim từ ái, cùng cúi đầu, thầm nhắc nhở : không ngừng rèn luyện thân thể, gắng công luyện tập võ thuật và trau giồi tinh thần võ đạo, trọn đời dâng hiến năng lực và tâm huyết cho tương lai, cho đại nghĩa để phát triển Môn Phái ngày càng vững mạnh, trường tồn, góp phần vinh danh dân tộc Việt Nam trong cộng đồng nhân loại.
Tưởng niệm Sáng Tổ 2015.
Sáng Tổ Nguyễn Lộc (giữa) cùng một số môn đệ phát triển Vovinam tại Miền Nam vào thập niên 1955.
Từ trái qua : Nguyễn Văn Thông, Trần Đức Hợp, Lê Sáng, Nguyễn Lộc, Bùi Thiện Nghĩa, Nguyễn Cao Hách và Nguyễn Dần.
|
Bạn đang xem TIỂU SỬ CỐ VÕ SƯ NGUYỄN LỘC - SÁNG TỔ MÔN PHÁI VOVINAM VIỆT VÕ ĐẠO tại TỦ SÁCH VÕ THUẬT 123 Đừng quên CHIA SẺ BẢN PDF MIỄN PHÍ đến những Bằng Hữu đam mê Võ thuật nếu bài viết có ích !
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét