Thứ Bảy, 25 tháng 8, 2018
Ở Sài Gòn trước 1975 xuất hiện một môn võ lạ lùng: tất cả chiêu thức, bộ, thân và tấn pháp đều dịch chuyển ngang… như cua, địch thủ rất khó tiếp cận, nhưng ít môn sinh theo học do chiêu thức quá… kỳ cục. Nếu khổ luyện được sẽ trở thành cao thủ có khả năng “tung một đòn là gục”.
Quyền sư Trịnh Thế Tuấn (đội nón) cùng các đồ đệ - Ảnh: Gia đình cung cấp |
Môn võ đó là Sơn Đông Lục Hợp môn thuộc Thiếu Lâm Bắc phái, xuất xứ từ tỉnh Sơn Đông (Trung Quốc) do sáu đại môn phái hợp lập thành. Môn công phu này đòn đánh dài (trường quyền), bộ pháp nhảy nhót như khỉ và xoay trở lẹ như cheo. Cao thủ truyền bá Sơn Đông lục hợp môn vào Chợ Lớn là Lâm Kim Hầu - con rể tổng tiêu cục tỉnh Sơn Đông. Sau đó, Quan Nhữ Châu (người Quảng Đông) vốn là thủy thủ (biệt danh “Ba Tàu lũ”) đã kế vị, mở võ đường ở khu Dân Sinh (cạnh Trường học Kim Tinh, Q.1), đào tạo nhiều cao đồ gồm Thích Nam (Nàm Chẩy), Chao Chảy, A.Hỉ, A.Cỏn, Trịnh Bỉnh Nam, nổi bật nhất là Trịnh Thế Tuấn (Xây Chân) đã lĩnh hội trọn vẹn các tuyệt kỹ của môn phái.Quyền sư Trịnh Thế Tuấn sinh năm 1922 (người Phước Kiến), dáng cao, vạm vỡ, ánh mắt sắc lẹm, sau khi thụ đắc sở học từ Quan sư phụ đã mở lớp dạy võ tại nhà (258/11 Nguyễn Công Trứ, Q.1) thu hút hàng trăm môn đồ. Ngoài truyền bá công phu Sơn Đông, Trịnh Thế Tuấn thường ra tay “trừ gian diệt bạo”, trừng trị đám giang hồ chuyên đi trấn lột bà con tiểu thương “thấp cổ bé họng” ở chợ Cầu Muối. Trong một lần ra tay nghĩa hiệp, Trịnh cao thủ đã bạt tai Hòa “hư vô” - gã đàn em thân tín của Đại “Cathay”. Nhận được hung tin, “ông vua du đãng Sài Gòn” giận nổ trời, lập tức “xuống chỉ” cho đảng “Bàn Tay Máu” (hùng cứ “liên khu Xóm Tỉnh - Vựa mía”) thay hắn trả mối hận này.Hay tin dữ, bà con ở hẻm 258 “hồn vía lên mây” trốn biệt trong nhà, khóa cửa tắt đèn khiến không khí lặng như tờ. Chẳng bao lâu sau, hơn 40 tên “đầu trâu mặt ngựa” tay lăm lăm dao chặt đá, xích sắt, búa chẻ củi hùng hổ kéo đến chật kín con hẻm đòi “hành quyết” quyền sư họ Trịnh. Cầm đầu đám giang hồ là đại ca Nết, Sửu, Ngọc anh, Ngọc em, Lộc “Cầu Muối”, Quý “tử hình” (anh ruột Lai anh, Lai em trong vụ án Năm Cam), Cung “Cô Bắc”, Ẩn “Mayer”… Lúc bấy giờ, thái độ vị cao thủ Sơn Đông vô cùng bình thản, đứng thế “lập tấn” tay chống ngọn côn đợi đám giang hồ trước hiên nhà.Chẳng nói chẳng rằng, cùng lúc hàng chục tên giang hồ đồng loạt lao vào tấn công quyền sư họ Trịnh. Nhanh như cắt, cao thủ Sơn Đông loang tít cây côn bao bọc khắp thân mình, bộ pháp di chuyển theo “Bát Quái hình” thoắt ẩn thoắt hiện khiến trong đám giang hồ không ít tên võ nghệ đầy mình nhưng chẳng tài nào áp sát được Trịnh cao thủ bởi thân pháp phái Sơn Đông Lục Hợp môn di chuyển ngang như… cua, ảo diệu khôn lường, hư hư thực thực. Ngọn côn trong tay Trịnh cao thủ xoay vùn vụt đầy uy lực, giương đông kích tây, khi tả lúc hữu, nhá trên đập dưới, côn múa đến đâu đám du đãng ngã rạp đến đấy. Chỉ chưa đầy 10 phút, hàng chục tên anh chị trúng tuyệt kỹ “Quần Vương côn”, kẻ bể đầu thằng gãy cẳng nằm la liệt khắp hẻm, một số khác nhanh chân quăng vũ khí tháo chạy tán loạn, huyên náo cả một vùng.Sau vụ này, Đại “Cathay” vô cùng bẽ bàng đành “ngậm bồ hòn làm ngọt”, phá lệ bấm bụng “cấp môn bài” cho võ đường Trịnh Thế Tuấn được tự do dạy võ tại lãnh địa của hắn. Trịnh sư phụ có công đào tạo nhiều đệ tử tài năng gồm Trịnh Quế Lâm (cháu ruột), Lý Cự, Đặng Trí Minh, Nguyễn Hoàng (bán chim ở chợ Cũ), Dì Nhỏ, Tô Nguyên Phước, Lào Cảo, A.Cón, A.Sồi, Hải “đen”… Sau 1975, lò võ ngừng hoạt động, để có tiền độ nhật, cao thủ Sơn Đông lái xe buýt. Trong những chuyến hành trình ngược xuôi Sài Gòn - Chợ Lớn, bác tài họ Trịnh đã ra tay khuất phục hàng trăm tên móc túi, trấn lột, trộm cắp bắt giao công an. Sau đó, ông chuyển qua làm tài xế đưa rước công nhân dệt ở Q.Thủ Đức. Cao thủ Sơn Đông Lục Hợp môn đã mất ngày 13.11.1996 (âm lịch), hưởng thọ 74 tuổi.
Ngọc Thiện
Tags:
LÀNG VÕ,
THIẾU LÂM
Bạn đang xem Kỳ nhân làng võ - Kỳ 12: Độc chiến giang hồ cầu Muối tại TỦ SÁCH VÕ THUẬT 123
Đừng quên CHIA SẺ BẢN PDF MIỄN PHÍ đến những Bằng Hữu đam mê Võ thuật nếu bài viết có ích !
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét