Giới yêu chuộng võ thuật Sài Gòn - Chợ Lớn thập niên 60 - 70 hẳn còn nhớ hai bộ sách Thập bát Liên Châu (xuất bản năm 1968) và bài quyền nổi tiếng Lão hổ thượng sơn (cọp già lên núi) in trong tạp chí Chí Trai (1969), sau đó xuất bản thành sách. Tác giả hai bộ sách quý trên là võ sư Lê Văn Kiển (Tám Kiển) - chưởng môn phái Thiếu Lâm Nam Tông...
Bài quyền trấn môn “Lão hổ thượng sơn” được in sách năm 1969, NXB văn hóa - thông tin tái bản
Tổ sư Lê Văn Kiển - môn phái Nam Tông (ảnh chụp năm 1969)
MÔN VÕ LẤY NHU CHẾ CƯƠNG
Võ sư Lê Văn Kiển sinh năm 1917 tại Ba Xuyên (Sóc Trăng), là con thứ tám trong một gia đình có truyền thống yêu nước, chuộng võ. Học quyền cước từ bé do thân phụ - võ sư Lê Văn Biểu truyền dạy. Khi lên Sài Gòn, thầy Tám Kiển thọ giáo võ sư Lai Quý (người Hẹ) môn Bạch Hạc - võ phái xuất phát từ Bạch Hạc sơn (Trung Hoa) - ngọn núi hùng vĩ, quanh năm tuyết phủ, nơi đây Ngũ Mai Lão Ni (thuộc dòng họ quý phái Hoàng Hoa) ẩn dật tại Long Sơn tự và sáng lập môn phái Bạch Hạc. Là nữ giới nên quyền cước mềm dẻo, uyển chuyển, lấy âm nhu thắng dương cương, vận sức địch đánh địch, dùng nội lực chuyên luyện theo loài hạc trắng và loài rắn Bạch Hoa xà. Đặc trưng Bạch Hạc quyền là tuyệt kỹ câu cổ tay, ra đòn bằng mu bàn tay và cùi chỏ, Bạch Hạc được xếp vào hàng tứ đại môn phái của võ lâm Trung Hoa: Thiếu Lâm, Võ Đang, Bạch Hạc, Nga Mi.
Sau đó, thầy Tám Kiển học bốn năm Thiếu Lâm Nam Phái với bậc cao thủ là võ sư Lưu Phú (người Quảng Đông), khổ luyện các tuyệt kỹ về binh khí: Song thiết nhuyễn tiên, Thiết cửu, Lăn khiên, Xích chì, Dải lụa, Đinh ba, Thanh long đao, Song kiếm, Lê Hoa thương... rồi cơ duyên đưa ông gặp và thọ giáo một thiền sư vùng Thất Sơn (Châu Đốc - An Giang) môn Thủy thượng phiêu (thuật phi hành trên nước), môn khinh công mà nhà văn Kim Dung từng đề cập trong bộ truyện kiếm hiệp Anh hùng xạ điêu với nhân vật Cừu Thiên Nhận.
Võ sư Tám Kiển truyền bá môn phái Nam Tông vào Sài Gòn - Chợ Lớn năm 1949, đây là võ phái đầu tiên ở miền Nam dạy binh khí cho môn sinh, thu hút hàng chục ngàn thanh thiếu niên luyện tập, riêng ở Chợ Lớn đã có đến 13 võ đường. Môn phái Nam Tông đã đào tạo nhiều cao đồ như Ngô Kim Hải, Trần Khánh Dư, Lê Hữu Phước, Lê Thái Bạch (hai người con thầy Tám Kiển), Quan Vân Triều, Lê Văn Minh, Nguyễn Quốc Cường, Phạm Xuân Tòng (chưởng môn Quán Khí đạo ở châu Âu), Nguyễn Hồng Chương, Trần Tấn Ngô, võ sư Quách Phước (chưởng môn Lam Sơn võ đạo) cũng từng theo học bốn bài quyền từ võ sư Tám Kiển.
Võ phái Nam Tông không thu học phí môn sinh, tôn chỉ môn phái dạy và học võ với mục đích dân khỏe - nước cường, do đó thầy Tám Kiển nghiêm cấm môn đồ thượng đài, bởi theo tổ sư “thắng bại hơn thua trên sàn đấu chỉ chuốc lấy oán thù...”.
Năm 1969, võ sư Lê Văn Kiển vận động thành lập Tổng hội Võ học Việt Nam (ra mắt ngày 8-6 tại CLB Tinh Võ, Q5), ông được làng võ tín nhiệm bầu làm chủ tịch nhiệm kỳ I (69 - 71), nhiệm kỳ 3 (73 - 75), phó chủ tịch nhiệm kỳ 2 (71 - 73). Năm 2003, đại lão võ sư Lê Văn Kiển về cõi vĩnh hằng tại nhà riêng ở quận 8, hưởng thọ 90 tuổi.
Võ sư Quan Vân Triều biểu diễn bài đơn đao
TRUYỀN NHÂN QUAN VÂN TRIỀU VÀ TUYỆT KỸ SONG THIẾT
Võ sư Quan Vân Triều sinh năm 1950, năm 15 tuổi theo học võ phái Nam Tông với võ sư Tám Kiển, ông là một trong sáu đệ tử ruột được thầy chân truyền môn binh khí đặc dị là Song thiết.
Song thiết gồm hai sợi dây xích, mỗi dây dài độ 0,9m (chưa kể tay nắm) được cấu tạo bởi năm lưỡi dao inox hình ôvan dày 3 - 5 ly, mỗi lưỡi dao nối liền nhau bằng ba khoen inox tròn, riêng lưỡi dao cuối cùng ở cuối sợi dây dày hơn và nhọn dùng để đâm. Tay nắm của sợi dây dài độ 0,2m, có trục xoay. Theo truyền thuyết, binh khí này xuất phát từ một vùng đất ở miền nam Trung Quốc.
Song thiết gọn nhẹ và tiện dụng, dễ dàng xếp bỏ vào túi quần, khi sử dụng có thể thủ hoặc tấn công (cận chiến lẫn tầm xa). Về kỹ thuật, song thiết bao gồm các thế: loang, đâm, chụp dây, tung dây, chận dây, hất dây, vừa đánh vừa xoay người từ trước ra sau và ngược lại, vừa đánh vừa xoay người tiến dần lên phía trước, vừa lăn tròn thân người vừa đánh... Khi lâm trận, võ sĩ đan chéo hai tay, vai uyển chuyển, loang dây bao bọc thân người để thủ. Lúc tấn công, song thiết với nhiều thế như tung dây quấn lấy binh khí, hai tay song song đâm thẳng về phía trước theo bộ đinh tấn, tung dây chém chẻ từ phần đầu trở xuống, dùng bộ xà tung dây chém ống chân đối phương hoặc kết hợp với đá bay để thu dây về. Kỹ thuật khó nhất của Song thiết là loang dây và chụp dây (thu dây). Khi loang dây, hai cánh tay phải luôn cặp sát hông, cổ tay thật dẻo, đường loang phải tròn, đều, che kín thân người. Chụp dây cần chính xác, khéo léo và nhanh gọn. Do gây độ sát thương cao, Song thiết chỉ được tổ sư Tám Kiển truyền dạy cho sáu cao đồ là Trần Văn Sang, Quan Vân Triều, Lê Hữu Phước, Lê Văn Minh, Nguyễn Quốc Cường và một học trò nữ duy nhất tên Cúc.
Hiện võ sư Quan Vân Triều dạy Thiếu Lâm Nam Tông tại CLB võ thuật Nhà văn hóa P1, Q10 (TPHCM) vào tối thứ ba, năm, bảy hàng tuần, võ sư tâm sự: “Mục đích dạy võ không phải để kiếm tiền làm giàu, mà muốn truyền bá tinh hoa võ học cho thế hệ trẻ có sức khỏe, sự tự tin và tính nhẫn nại, môn phái Nam Tông lấy tôn sư trọng đạo làm đầu, tiên học lễ, hậu... mới học võ!”.
(Còn tiếp)
NGỌC THIỆN (CATP)
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét