MÔN PHÁI
THIẾU LÂM - NỘI QUYỀN - TÂY SƠN NHẠN
THỜI CHIẾN NƠI ĐÂY BỒI DƯỠNG CHÍ ANH HÙNG
THỜI BÌNH LẤY VÕ ĐẠO LÀM TRỌNG
I. NGUỒN GỐC
Môn phái Thiếu Lâm Tự - Nội Quyền- Tây Sơn Nhạn được Tổ sư Bùi Văn Hóa (Chín Hóa, 1894-1958) du nhập vào Việt Nam. Khởi đầu cho sự nghiệp của một môn phái rất nổi tiếng trong làng võ từ thập niên 1930 cho đến nay được xiển dương tiếp nối. Môn phái Thiếu Lâm Tự - Nội Quyền- Tây Sơn Nhạn có nguồn gốc và lịch sử phát triển rõ ràng, các thế hệ Chưởng Môn kế nhiệm đều được Hội đồng võ sư môn phái bầu chọn.
1.TỔ SƯ BÙI VĂN HÓA (CHÍN HÓA) SÁNG LẬP MÔN PHÁI THIẾU LÂM TỰ - NỘI QUYỀN - TÂY SƠN NHẠN
TẠO HIỀN TÀI LÀM NÊN NGHIỆP VÕ
Tổ sư Bùi Văn Hóa, tự Chín Hóa, sinh năm 1894, quê gốc Bình Định, trong một gia đình có truyền thống võ thuật.Từ khi 10 tuổi, ông đã được người trong vùng gọi là thần đồng võ thuật. Năm 16 tuổi ông được gia đình gửi sang Trung Quốc thọ giáo cùng đại sư Tây Sơn Nhạn môn phái Thiếu Lâm Nội Quyền, dung hợp cả hai dòng võ Thiếu Lâm và Võ Đang do Trương Tòng Khê là học trò xuất sắc của tổ sư Võ Đang Trương Tam Phong sáng lập (Nội Quyền). Võ công của Thiếu Lâm Nội Quyền phối triển cả tính cương mãnh của võ công Phật Gia lẫn sự âm nhu của Đạo Gia nên khi công hãm thì mạnh mẽ quyết liệt, khi phòng thủ thì kín kẽ và biến hóa khôn lường.
Hành trình tầm sư học đạo của võ sư Bùi Văn Hóa kéo dài 1/4 thế kỷ . Năm 1930, sau nhiều năm tầm sư học đạo tại Trung Quốc, khi đã trở thành một cao thủ ông mới quay về đất tổ Bình Định với ước nguyện truyền bá võ thuật. Tiếc thay, ông bị sự ngăn cấm bởi thực dân Pháp nên đã bí mật truyền dạy cho thân hữu và kháng chiến quân địa phương, và đồng thời hoàn thiện một số binh khí như đao (mã tấu), côn (tầm vong) và đặt tên môn phái là Thiếu Lâm Tự - Nội Quyền- Tây Sơn Nhạn.Lớp đệ tử đầu tiên của tổ sư Bùi Văn Hóa là Lưu Văn Liễn (Ba Liễn), Sáu Bôn...
Sau ngày CMT8-1945 thành công, năm 1946, tổ sư Bùi Văn Hóa và học trò lớn Lưu Văn Liễn vào Sài Gòn truyền bá sở học Tây Sơn Nhạn tại Chợ Quán (Chánh Hưng) Q.8 - Lớp đệ tử thứ hai của tổ sư Bùi Văn Hóa là Ba Sửu, Ba Lai (Tiểu La Thành), Ba Vè, Ba Tốc, Nguyễn Văn Mách (Mười Mách)...
Lớp kế tiếp tại Trường Kim Đồng, Q.5 gồm có Sáu Kè, Nam Tàu, Quốc Vũ, Cò Mi Tòng, Ông Dương, Cô Hồng, Tống Văn Nhịn (Tám Nhịn), Ba Lâm (Đông Y), Đặng Văn Anh , Ông Thắng, Ông Cử, Chu Lâm (Đông y, giáo viên Anh Ngữ), Lý Phi Sơn Hổ, Ngô Văn Trừ, Ông Tín, Ông Miêu, Châu Văn Ngọc (Bạch Ngọc Sơn Nhạn), Lê Đức Minh (Lư Hương Nhạn),... Năm 1954, tổ sư Bùi Văn Hóa được cao đồ Nguyễn Văn Mách (Mười Mách) đón về Sở Cứu hỏa Đô thành Sài Gòn. Tại đây, tổ sư đã đào tạo lớp đệ tử thứ tư là Ông Phong, Sáu Vĩnh, Võ Tấn Khải,...
“Dạy võ là dạy nhân cách sống, nhân cách hành xử. Ngũ thường: nhân, lễ, nghĩa, trí, tín”.
Không do tình cờ, cũng chẳng phải do sự sắp đặt của định mệnh hay của môn phái, mà chính tài năng của những cao đồ đã làm rạng danh môn phái. Tất cả họ đều có tên “Ba” (Ba Liễn, Ba Vè, Ba Sửu, Ba Lai, Ba Tốc) và một cao đồ tên “Mười” (Mười Mách) được giới võ lâm thời ấy vinh danh "Ngũ Tam Nhất Thập". Không những thế, giới võ lâm còn truyền tụng, đặt tên cho bốn tay đấm vang danh của môn phái Tây Sơn Nhạn là "Nhất Hổ, Nhì Miêu, Tam Trừ, Tứ Tín" qua lối chơi bạo liệt như mãnh hổ vồ mồi của Lý Phi Sơn Hổ, hay bất thần tung độc chiêu hạ đối thủ của Tám Miêu, hay ngọn cước bình sa lạc nhạn như giông bão của Sáu Trừ, hoặc đòn gối bay khiến đối thủ kinh hoàng của Tứ Tín.
Nhằm tạo hiền tài làm nên nghiệp võ và uy danh cho môn phái, tổ sư Bùi Văn Hóa vẫn thường răn dạy môn đồ và lời dạy của ông được họ mãi khắc sâu vào tâm khảm, sách trăm trang ngàn chữ tổ sư bùi Văn Hóa còn để lại trong đó có lời huấn thị rằng:
· “Các bạn thanh niên muốn cho thân thể cường tráng mạnh khỏe thì phải tập thể thao cho gân cốt mới đặng nở nang, da thịt mới hồng hào con người mới trở nên lạc quan”
· “Lấy sức khỏe, dùng võ nghệ làm những điều phải nghĩa, giúp người hoạn nạn là bản sắc của người anh hùng. Lấy sức khỏe, dùng võ nghệ làm những điều bất nghĩa là cái tâm địa của phường tiểu nhân.”.
Năm Mậu Tuất (1958), tổ sư Bùi Văn Hóa qua đời tại quận 8 Sài Gòn trước sự buồn đau và thương tiếc khôn cùng của toàn thể môn đồ Thiếu Lâm Tự - Nội Quyền- Tây Sơn Nhạn. Càng buồn thương, môn sinh Thiếu Lâm Tự - Nội Quyền- Tây Sơn Nhạn càng tự hào về những cao đồ mà tổ sư đã đào tạo cùng những danh quyền như Mai Hoa Quyền, Thất Tinh Bắc Đẩu, Mai Hoa Thung, Đường roi Thái Sơn, Đại Đao, Triệt Giang Kiếm,...mà tổ sư đã để lại cho môn phái, góp phần trong kho tàng võ học nước nhà.
Biết bao thế hệ môn đồ kế thừa Thiếu Lâm Tự - Nội Quyền- Tây Sơn Nhạn, ngày ngày vẫn chuyên cần khổ luyện, khí chất bản lĩnh con nhà võ của mình. Nghiêm túc trong truyền thụ và khổ luyện. Môn phái dù trải qua nhiều chặn đường, lời dạy của tổ sư bùi Văn Hóa vẫn giữ được lời giá trị chân truyền, giá trị đó không phải là những chiêu thức hay bí kíp võ công. Đó là giá trị tinh thần, di sản vô cùng quý giá của những bật tiền bối để lại cho hậu thế.
2.VÕ SƯ LƯU VĂN LIỄN (BA LIỄN) CHƯỞNG MÔN THIẾU LÂM TỰ - NỘI QUYỀN - TÂY SƠN NHẠN ĐỜI THỨ I
KHÔNG CHỈ LÀ VÕ HỌC
Võ sư Lưu Văn Liễn (Ba Liễn) sinh năm 1909 tại Bình Định vừa là đồng hương vừa là cao đồ đầu tiên của tổ sư Bùi Văn Hóa. Ông theo học với tổ sư suốt 10 năm tại Bình Định.
Năm 1946, ông theo tổ sư vào Sài Gòn tiếp tục lãnh hội tuyệt kỹ công phu của Thiếu Lâm Tự - Nội Quyền- Tây Sơn Nhạn. Ngoài võ công, ông còn tinh thông cả phật học, y học, dịch học, thiên văn, địa lý,... Năm 1958, Hội đồng võ sư môn phái thống nhất bầu võ sư Lưu Văn Liễn làm chưởng môn đời thứ I Thiếu Lâm Tự - Nội Quyền- Tây Sơn Nhạn. Tiếc thay, năm 1960, chỉ sau 2 năm chấp chưởng môn phái, võ sư Lưu Văn Liễn họp Hội đồng võ sư môn phái Thiếu Lâm Tự - Nội Quyền- Tây Sơn Nhạn, trao quyền chưởng môn đời thứ II cho võ sư Nguyễn Văn Mách (Mười Mách) trước Hội đồng võ sư môn phái.Ông xuất gia gởi thân chốn thiền môn.
III. VÕ SƯ NGUYỄN VĂN MÁCH (MƯỜI MÁCH) CHƯỞNG MÔN THIẾU LÂM TỰ - NỘI QUYỀN - MÔN PHÁI TÂY SƠN NHẠN ĐỜI THỨ II
ĐEM TRÁI TIM CỦA TỔ SƯ ĐẶT TRÊN ĐÔI VAI CỦA MÌNH
Dưới sự lãnh đạo của võ sư Nguyễn Văn Mách (Chưởng môn đời thứ II) võ hiệu môn phái Thiếu Lâm Tự - Nội Quyền- Tây Sơn Nhạnđược đổi thành Thiếu Lâm Tự - Nội Quyền - Môn Phái Tây Sơn Nhạn.
Tổ sư Bùi Văn Hóa có công khai sáng môn phái Thiếu Lâm Tự - Nội Quyền- Tây Sơn Nhạn tại Việt Nam thì võ sư Mười Mách mới là người đưa môn phái Thiếu Lâm Tự - Nội Quyền - Môn Phái Tây Sơn Nhạn phát triển lớn mạnh, và lấy chữ “nhạn” đặt võ danh cho các cao đồ thành danh trong môn phái. Dưới quyền của ông tại Trung tâm Sài Gòn, Thiếu Lâm Tự - Nội Quyền – Môn Phái Tây Sơn có hệ thống 06 võ đường, hàng ngàn võ sinh.Võ sư Nguyễn Văn Mách sinh năm 1921 tại Chợ Lớn, là cao đồ của tổ sư Bùi Văn Hóa. Ông đã nối bước sư phụ, phát triển môn phái sâu rộng cả miềm Nam thời ấy.
Suốt hai thập niên 60 và 70, Tây Sơn Nhạn là môn phái nổi tiếng về đào tạo võ sĩ thượng đài cả quyền Anh lẫn võ Ta với thành tích vang dội do các tay đấm của môn phái mang về. Nam võ sĩ có Đông Nhạn (Nguyễn Văn Quang), Tây Nhạn (Nguyễn Văn Hảo), Nam Nhạn (Nguyễn Văn Nam), Bắc Nhạn (Ông Hoài), Hồng Nhạn (Nguyễn Văn Điều, con trai của võ sư Nguyễn Văn Mách), Lâm Nhạn (Mai Trọng Hiếu), Hùng Nhạn (Nguyễn Cao Phụng, mệnh danh là “nhà sưu tập danh hiệu vô địch” cả hai đấu trường quyền Anh và võ Ta), Trung Sơn Nhạn (Ông Trung), Cường Nhạn (Nguyễn Văn Cường) vô địch cả hai đấu trường quyền anh và tự do, Xuyên Sơn Nhạn (Tô Đình Thanh), Hà Quang Nhạn (Hà Quang Tập), Cẩm Nhạn (Lâm Cẩm Huê), Bảo Sơn Nhạn (Bảo Long Tam Nhạn), Hồng Ẩn Nhạn (Nguyễn Phúc Ẩn),Hồng Hải Nhạn, Hồng Liệt Nhạn,Võ Ngọc Lượng, Hồng Phong Nhạn (Võ Văn Phong), Hồng Thủy Nhạn... Nữ võ sư có Hồng Vân Nhạn, Hồng Yến Nhạn (con gái của võ sư Nguyễn Văn Mách), Hồng Ưng Nhạn, Hồng Huệ Nhạn (Phạm Thị Huệ), Hồng Hoa Nhạn,...
Năm 1960, võ sư Nguyễn Văn Mách tham gia Tổng cuộc Quyền thuật Việt Nam. Năm 1969, ông cùng một số võ sư như Mai Văn Phát, Từ Thiện, Quách Phước... lập nên Tổng hội võ Việt Nam (Nghị định số 256/GĐTN/TN/NĐ ngày 12-2-1969) và được bầu làm phó chủ tịch liên tiếp của hai nhiệm kỳ chủ trương chấn hưng truyền thống thượng võ,phát huy tinh hoa võ học nước nhà.Với những đóng góp trong làng võ,ông nhiều lần được tổng cục quyền thuật Việt Nam tuyên dương,khen thưởng.
Ngày 12 tháng 6 năm 1990, võ sư Nguyễn Văn Mách đột ngột qua đời tại Long Thành trước sự thương tiếc của hàng ngàn môn đồ Thiếu Lâm Tự - Nội Quyền – Môn Phái Tây Sơn Nhạn và võ lâm đồng đạo của làng võ Việt Nam khi sự nghiệp còn phía trước.
IV.VÕ SƯ TÔ ĐÌNH THANH (XUYÊN SƠN NHẠN) CHƯỞNG MÔN MÔN PHÁI THIẾU LÂM - NỘI QUYỀN - TÂY SƠN NHẠN ĐỜI THỨ III
VIẾT TIẾP NHỮNG TRANG SỬ MỚI CHO MÔN PHÁI
Một môn phái có nguồn gốc từ Trung Hoa, đã phát triển sâu rộng tại Việt Nam hơn 88 năm nay, chúng ta không thể nhắc đến: Thiếu Lâm Tự - Nội Quyền - Môn Phái Tây Sơn Nhạn. Vang danh một thời trên các võ đài, một lương y mát tay, một bậc thầy trong lĩnh vực phong thủy, thầy là người có quyền biến và tài năng: việc sắp sẵn xảy ra mà ngăn được, việc đương xảy ra mà cứu được, việc đã hỏng mà vớt lại được. Đồng thời đào tạo nhiều võ sư ưu tú từ nhiều năm qua, chúng ta không thể không nhắc đến võ sư Tô Đình Thanh.
Ông sinh năm 1954 tại Hải Phòng xuất thân trong gia đình có truyền thống thượng võ. Ngay từ thời niên thiếu ông đã đam mê võ thuật và được cha là ông Tô Đình Tuận cùng chú là võ sư Tô Văn Giáo truyền dạy võ Bình Định gia quyền. Ngoài giờ học với cha và chú, nhiều năm sau đó ông theo học Taekwondo, Aikido, Kendo,... Sau đó ông được võ sư Nguyễn Văn Mách nhận làm đệ tử. Từ năm 16 tuổi, ông được sư phụ Nguyễn Văn Mách cho thượng đài với võ danh Thanh Nhạnvà sớm trở thành tay đấm lẫy lừng trên các sàn đấu võ tự do (quyền Anh và võ Ta) ở miền Nam thời ấy. Nhờ thể lực cường tráng, dẻo dai, lì đòn và sử dụng kỹ thuật nhiều môn võ đã học nên các đòn đấm, cú đá của ông cực kỳ hiểm hóc, đa dạng thường làm tê liệt đối thủ ngay ở một, hai hiệp đầu của trận đấu. Ông đã dùng hai thế Phạt thảo tầm xà và Bình sa lạc nhạn thắng knock-out chớp nhoáng võ sĩ Hùng Xuân H.- con trai của võ sư Hùng Nghĩa. Với thành tích này, ông được sư phụ Nguyễn Văn Mách phong thêm biệt hiệu Xuyên Sơn Nhạn.
Một trong những trận đài đáng nhớ của ông là trận thắng knock-out tay đấm cự phách Mã Thành Q- con trai của danh sư Mã Thành L. suốt 3 hiệp ròng rã, võ sĩ Mã Thành Q. bị ông đánh ngã 5 lần những vẫn đứng lên tiếp tục trận đấu. Mãi đến hiệp cuối, dù bị đánh ngã bởi cú Phượng dực đăng sơn đến tét trán và trọng tài đếm đến tiếng thứ 7, võ sĩ Mã Thành Q. vẫn gượng dậy lao vào đối thủ. Nhanh như chớp, ông dùng tiếp ngọn đá "Bình sa lạc nhạn" và "Âm dương tương khắc" mới buộc võ sĩ Mã Thành Q. đổ gục trên sàn đấu.Những trận đánh sau đó nhờ kỹ thuật điêu luyện và tinh hoa môn phái ông đã dành nhiều thắng lời trước nhiều đối thủ nặng ký đương thời. Ngoài sư phụ Nguyễn Văn Mách, ông còn có cơ duyên được cả ba vị sư bá là Ba Liễn, Ba Sửu, Ba Lai truyền dạy tinh hoa trấn môn của Tây Sơn Nhạn. Năm 24 tuổi, võ sư Tô Đình Thanh bắt đầu đứng lớp, huấn luyện Thiếu Lâm Tự - Nội Quyền - Môn Phái Tây Sơn Nhạn.
Ông đã từng huấn luyện:
· 1978-1979, Trinh sát Biên giới Tây Nam.
· 1979-1981, Huấn luyện võ thuật cho đội SBC (săn bắt cướp) CA TP.HCM.
· 1982-1984, Huấn luyện Taekwondo Quận 1 (4 Lê Văn Lưu).
· 1985-1987, Huấn luyện Lữ đoàn 125 Hải Quân (Quân Cảng Sài Gòn)...
· 1992, mở lớp huấn luyện võ tại 102 Ngô Tất Tố, Bình Thạnh...
Năm canh ngọ 1990, võ sư Nguyễn Văn Mách qua đời, Hội đồng võ sư môn phái họp bầu chọn võ sư Tô Đình Thanh (Xuyên Sơn Nhạn) làm chưởng môn Thiếu Lâm Tự - Nội Quyền - Môn Phái Tây Sơn Nhạn (đời thứ III) và võ sư Nguyễn Phúc Ẩn (Hồng Ẩn Nhạn) làm phó chưởng môn.
Căn cứ vào di bút của sáng tổ Bùi Văn Hóa được võ sư Lưu Văn Liễn (chưởng môn đời thứ I) trao lại, đồng thời được sự thống nhất của Hội đồng võ sư môn phái, võ sư chưởng môn đời thứ III Tô Đình Thanh đã có công phổ biến trước báo đài và công chúng lịch sử môn phái và tiếp tục phát triển môn phái Tây Sơn Nhạn với tên gọi Môn Phái : Thiếu Lâm - Nội Quyền - Tây Sơn Nhạn.
Ông mở rộng mạng lưới huấn luyện cho nhiều đơn vị ngoài môn phái song song với việc đào tạo nhiều môn sinh trở thành võ sư, HLV xuất sắc như các võ sư: Võ sư phó Chưởng môn Thiếu Lâm - Nội Quyền - Tây Sơn Nhạn (đời thứ III) Xuyên Lâm Nhạn (Nguyễn Văn Lòng) đã đào tạo được nhiều vận động viên đạt được nhiều thành tích xuất sắc từ các giải toàn thành, toàn quốc.Xuyên Bắc Nhạn (Nguyễn Hữu Văn), Xuyên Nam Nhạn (Nguyễn Hoài Nam), Xuyên Tây Nhạn (Lương Văn Tấn), Xuyên Đông Nhạn (Tô Đình Phi),Xuyên Xích Nhạn (Nguyễn Văn Chính), Xuyên Hoàng Nhạn (Trần Văn Thuấn),Xuyên Giang Nhạn (Nguyễn Ngọc Hên), Xuyên Trung Nhạn (Tô Đình Quyền), Xuyên Hải Nhạn (Ngô Quang Dũng), Xuyên Thông Nhạn (Tô Đình Vũ), Xuyên Quang Nhạn (Tô Đình Hiếu),...
Đặc biệt, nữ võ sư phó Chưởng môn Thiếu Lâm - Nội Quyền - Tây Sơn Nhạn (đời thứ III) Xuyên Vân Nhạn (Ngô Thị Ngọc Chi) được thọ giáo trực tiếp với các võ sư kỳ cựu Tống Văn Nhịn (Tám Nhịn), Ngô Văn Trừ (Sáu Trừ), Bạch Ngọc Sơn Nhạn (Châu Văn Ngọc), Lưu hương Nhạn (Lê Đức Minh), sư huynh chưởng môn Xuyên Sơn Nhạn (Tô Đình Thanh). Nữ võ sư Xuyên Vân Nhạn (Ngô Thị Ngọc Chi) một võ sĩ chiến đấu kiên cường,một vận động viên có nhiều thành tích,một võ sư đầy nhiệt huyết - đã đạt nhiều HCV từ cấp thành phố đến toàn quốc về thi đấu, hội diễn, nhận được nhiều bằng khen từ nhiều đơn vị,
- Từng biểu diễn võ thuật tại Liên Xô (1990)
- Tại lễ hội Văn hóa và Thể thao Thế giới ở thái lan (1996)
- Được bộ quốc phòng tặng bằng khen
- Được Bộ Trưởng VHTT và DL tặng kỷ niệm chương vì sự nghiệp
- Được kênh truyền hình VTV4 giới thiệu qua phóng sự: “Võ sư Ngô Thị Ngọc Chi - Cánh chim không mỏi.” Kênh truyền hình VTV4 cũng đã giới thiệu về môn phái Thiếu Lâm Nội Quyền- Tây Sơn Nhạn qua chương trình Tinh hoa võ thuật trong nhiều kỳ.
Hiện nay, môn phái Thiếu Lâm - Nội Quyền- Tây Sơn Nhạn đã được Cục Sỡ hữu Trí tuệ Việt Nam bảo hộ thương hiệu. Môn phái còn có mặt ở một số nước như:
+ Hoa Kỳ (võ sư Tony Jordan phó chưởng môn Thiếu Lâm Nội Quyền Tây Sơn Nhạn tại Hoa Kỳ),ông đã đào tạo được nhiều Võ Sư và HLV thành danh,Võ Sĩ thi đấu như một chiến binh,ông đến với Tây Sơn Nhạn như một đại gia đình
+ Pháp (võ sư David Phan Nhuận phó chưởng môn Thiếu Lâm Nội Quyền Tây Sơn Nhạn), ông đã đào tạo được nhiều Võ Sư và HLV,Võ Sĩ thi đấu...
+ Úc (võ sư Võ Ngọc Lượng),...
Võ sư Tô Đình Thanh bộc bạch khi được hỏi về bí quyết thành công của một võ sĩ: “Tâm chỉnh, khí chỉnh, bộ pháp vững - Tâm động, khí loạn, bộ pháp hư”, võ học như toán học “Công, thủ, phản biến, tiến, thoái phải nhịp nhàng cân đối, độ chính xác cao, không dư không thiếu – đúng lúc”.
Võ Sư Tô Đình Thanh đã nỗ lực đưa Môn Phái phát triển hơn 30 năm qua góp phần vào sự nghiệp phục hưng của Võ Cổ Truyền LDTPHCM nói riêng và LDVCTVN nói chung.Ông nói " tinh hoa võ cổ truyền có được soi sáng hay không đều không do tiền nhân, không do lịch sử, mà do chính chúng ta - những người Việt Nam đang có trách nhiệm giữ gìn, bảo tồn và phát huy tinh hoa võ Việt. Với tôi, võ học mênh mông như Đông hải.Võ Sư Chưởng Môn Tô Đình Thanh chủ trương đào tạo người học trò ngoài chuyên môn giỏi phải có đạo đức tốt.Tuy nhiên phương châm " đến đón,đi tiễn,thích thì chiều" đôi khi phải có trong cuộc sống...
Ngày 8 tháng 5 năm 2017, võ sư chưởng môn Tô Đình Thanh (Xuyên Sơn Nhạn) đã công thành danh toại về với tổ thầy. Khi sinh tiền Thầy luôn nói với các môn đồ "sống đứng,chết đi,nghĩ không lo", nếu chết cũng có gì đáng lo đáng sợ, cuộc chơi nào cũng lắm công phu – chọn lựa nào mà không mất mát. Để lại cho thế hệ mai sau những gì tốt đẹp nhất. Hội đồng môn phái tây sơn nhạn luôn ghi nhớ công ơn bảo tồn và phát triển Môn Phái của thầy chưởng môn Tô Đình Thanh ( Xuyên Sơn Nhạn )
5.VÕ SƯ TÔ ĐÌNH QUYỀN (XUYÊN TRUNG NHẠN) CHƯỞNG MÔN PHÁI THIẾU LÂM - NỘI QUYỀN - TÂY SƠN NHẠN ĐỜI THỨ IV
ĐẠO TRONG VÕ HỌC
Tôn sư trọng đạo
Nhất nhật vi sư, thiên thu vi phụ.
Trước khi lâm chung cố võ sư Tô Đình Thanh (Xuyên Sơn Nhạn, chưởng môn đời thứ III) có di nguyện trao chức chưởng môn phái Thiếu Lâm – Nội Quyền – Tây Sơn Nhạn cho võ sư Tô Đình Quyền (Xuyên Trung Nhạn) chấp chưởng.
Ngày 10 tháng 5 năm 2017 ( nhằm ngày 13 tháng 4 năm Đinh Dậu ), trước linh cữu cố võ sư Tô Đình Thanh Hội đồng võ sư môn phái Thiếu Lâm – Nội Quyền – Tây Sơn Nhạn thống nhất bầu chọn võ sư Tô Đình Quyền làm chưởng môn đời thứ IV.
Ngày 19 tháng 5 năm 2017, Hội đồng võ sư môn phái Thiếu Lâm – Nội Quyền – Tây Sơn Nhạn làm lễ tấn phong tân chưởng môn Tô Đình Quyền (Xuyên Trung Nhạn) đời thứ IV. Được sự phó thác theo di nguyện của cha và cũng là thầy cố chưởng môn võ sư Tô Đình Thanh với lòng trung thành 5 thế hệ môn đồ môn phái : Thiếu Lâm – Nội Quyền – Tây Sơn Nhạn.Trước Hội đồng võ sư môn phái để tưởng nhớ các bậc tiền bối đã về cõi vĩnh hằng.
Võ sư Tô Đình Quyền (Xuyên Trung Nhạn) đã theo cha là cố Chưởng Môn Tô Đình Thanh từ thuở nhỏ và được truyền thụ tinh hoa võ thuật chấn môn Tây Sơn Nhạn,ngoài ra ông còn được học dịch học từ nơi cha.
Võ Sư Tô Đình Quyền là người nhạy bén, trí tuệ,chuyên môn tốt, nhiệt huyết và đức độ, khí phách con nhà võ ở địa vị cao quyền chức trọng không thấy là vinh, địa vị thấp không cho là nhục. Trong võ thuật, con đường đi đến thành công và vinh quan đều trải qua thử thách, gian khổ muôn phần, Đối với ông không quan trọng mục đích đến mà quan trọng là cuộc hành trình, ông tự trang bị cho bản thân những trang bị cần thiết cho phù hợp với hoàn cảnh, kinh nghiệm sử dụng chiến thuật, chiến lược,đi đến chiến đấu là sự đòi hỏi của thành công. Ông được đánh giá là người có khả năng đưa môn phái tiếp tục phát triển lớn mạnh trong nước và ngoài nước ở tương lai. Ông đã góp phần truyền bá tinh hoa môn phái Thiếu Lâm – Nội Quyền – Tây Sơn Nhạn thông qua đài truyền hình đối ngoại VTV4 phát sóng liên tiếp 8 kỳ trên đài truyền hình trong và ngoài nước.
Đệ tử tầm sư- Sư vị
Sư tầm đệ tử - Đệ tử nan.
*** Các môn đồ Tây Sơn Nhạn ngày ngày rèn luyện võ thuật, rèn luyện khí chất, bản lĩnh đạo đức nhà võ của mình. Họ là những người thầy thật sự tâm huyết với nghề, nghiêm túc trong việc truyền thụ võ thuật với võ sinh của mình. Từ khi võ sư Bùi Văn Hóa (Chín Hóa Tổ Sư Sáng Lập ) thành lập môn phái đến đời vị chưởng môn như Cố Võ Sư Lưu Văn Liễn (Ba liễn Chưởng Môn đời thứ I), Cố Võ Sư Nguyễn Văn Mách (Mười Mách Chưởng Môn đời thứ II), Cố Võ Sư Tô Đình Thanh (Xuyên Sơn Nhạn Chưởng Môn đời thứ III) hiện tại võ sư Tô Đình Quyền (Xuyên Trung Nhạn Chưởng Môn đời thứ IV) dù đã trải qua những chặn đường võ học mênh mong như biển cả như cây có cội như nước có nguồn đạo lý của các bật truyền nhân để lại sẽ luôn nhắc nhở thế hệ sau để họ không bao giở lạc lối từ đó họ luôn ngộ ra chân lý của võ thuật học võ, nếu lấy tu dưỡng thân tâm làm tôn chỉ thì đến một giai đoạn như trăng đã tỏ như nước đã trong người học võ sẽ làm chủ được thân tâm của mình đạt tới cảnh giới tối thượng trong võ thuật. Còn với những người thầy đối với họ niềm vui lớn nhất là ngày càng có nhiều môn sinh theo học võ một cách nghiêm túc và đầy nhiệt quyết sự trưởng thành của các thế hệ học trò cũng chính là sự phát triển của môn phái với môn phái: Thiếu Lâm – Nội Quyền – Tây Sơn Nhạn mọi thứ vẫn còn đang ở phía trước nhưng các bậc tiền bối có thể tin tưởng ở lớp hậu sinh đang kế thừa duy sản của cá bật tiền nhân để lại để mỗi ngày một đi tới gần hơn đến cái chân thiện, mĩ. Văn ôn võ luyện, võ là hơi thở hằng ngày, là hành trang vạn dặm dù không đi đến nơi nhưng không bỏ giữa chừng, có như vậy thì sự luyện võ mới không hoài công vô ích.
Ban Cố Vấn Chưởng Môn Thiếu Lâm Nội Quyền Tây Sơn Nhạn
Võ sư Châu Văn Ngọc Võ sư TÔ ĐÌNH QUYỀN
Võ sư Lê Đức Minh (XUYÊN TRUNG NHẠN)
Đã ký Đã ký
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét