Trong số các võ sĩ lừng danh thời ấy của võ phái Long Hổ Hội phải kể đến Mousetaza. Đây là một cậu bé được sư tổ võ phái dạy cho rất nhiều bí kíp võ công. Mousetaza còn học được tuyệt chiêu "Tam chiến Lữ Bố" vang danh của phái Thiếu Lâm Nững Xị. Kế tiếp Mousetaza là Chà Và Hương (võ sư Ngô Văn Hương). Cậu bé lai Chà (cách gọi người Ấn Độ-PV) cũng là võ sĩ đánh cả trăm trận nhưng chưa biết mùi thất bại. Chà Và Hương cũng từng thọ giáo võ công Thiếu Lâm Nững Xị của Long Hổ Hội qua Mousetaza rồi nhiều võ phái khác.
Phái Long Hổ Hội đã đào tạo nhiều võ sĩ lừng danh
"Độc cô cầu bại" Mousetaza
Nói về sư huynh Mousetaza, cả võ sư Long Phi Báu và Long Phi Thanh, những môn đệ của Long Hổ Hội còn dạy võ tại TP.HCM đều tỏ ra khâm phục. Họ thường ngợi khen, ca tụng về võ thuật và cả những lần thượng đài của Mousetaza. Võ sư Long Phi Thanh cho biết, thời ấy nói đến Mousetaza bất cứ ai cũng đều biết đến. Đặc biệt là giới võ thuật và lính đặc công. Thời đó, Mousetaza chưa từng thất bại. Ông thượng đài từ Nam ra Bắc nhưng không có đối thủ. Với tuyệt chiêu "Tam chiến Lữ Bố" của Long Hổ Hội, Mousetaza được mệnh danh là "độc cô cầu bại" trên các võ đài.
Mousetaza không phải là con cháu của cố võ sư Lâm Hữu Hội. Ông thực chất là một cậu bé người Việt lai Ấn Độ, được sinh ra tại khu ngã sáu chợ Lớn. Không ai nhớ Muosetaza sinh vào năm nào. Họ chỉ biết ông là con của một cô gái Việt lấy một thanh niên Ấn Độ. Vào đầu thế kỷ XX, khu vực ngã sáu chợ Lớn có nhiều người nuôi bò sữa. Trong số này có khá nhiều người Ấn Độ đến Sài Gòn và sống bằng nghề này. Do vậy, nơi đây còn có cái tên gọi là khu "Chuồng bò".
Ngay từ thời niên thiếu, Mousetaza nhận thấy cần phải có võ nghệ phòng thân nên đã tìm đến các lò võ để học. Nghe danh Lâm Hữu Hội thượng đài bất khả chiến bại có mở lò võ ở Gò Vấp, Mousetaza đã đến xin bái sư phụ. Vì hoàn cảnh gia đình nghèo khó nên ông được cố võ sư Lâm Hữu Hội rất thương. Đó là nghĩa khí giang hồ. Ông truyền dạy cho cậu bé lai Chà nhiều bí kíp của Thiếu Lâm Nững Xị, trong đó có tuyệt chiêu "Tam chiến Lữ Bố" nổi tiếng Sài Gòn và giới võ lâm lúc bấy giờ.
Võ sư Long Phi Thanh cho biết, trong những năm còn ở đỉnh cao của sự nghiệp đấu võ đài, có lần Mousetaza đã hạ gục một cao thủ người Thái Lan tại Sài Gòn. Lúc ấy, võ sĩ Muay Thái là Ti Noi sang Việt Nam và thách đấu giới võ lâm, giang hồ Sài Gòn. Trước đó, Ti Noi đã hạ nhiều cao thủ người Việt. Đến khi gặp Mousetaza, với võ công cao cường thì Ti Noi phải ôm hận, về nước tiếp tục rèn luyện công phu, đợi ngày báo thù.
Sự nghiệp đấu võ đài của Mousetaza lên đỉnh cũng đồng nghĩa với ông được nằm trên đống tiền. Thời ấy, nhiều người nói vui có võ là có tiền. Võ sư nào cứ lên võ đài đấu thắng sẽ có rất nhiều tiền. Đánh trận càng lớn, tiền về càng nhiều. Thời hoàng kim, Mousetaza đã cưới vợ và mở một trang trại nuôi bò sữa tại Bà Quẹo. Nghiễm nhiên, ông trở thành ông chủ giàu có, sống vương giả.
Những tưởng cuộc sống sẽ thăng hoa với một võ sĩ lừng danh nhưng chính vì tiền mà ông lao vào tệ nạn bài bạc, rượu bia và hút xách… Dần dần, những thứ này đã khiến Mousetaza tan gia, bại sản. Những cuộc vui quên đường về cũng làm ông mất dần võ công bao năm khổ luyện.
Một thời gian sau, Ti Noi đã luyện tới đỉnh cao công phu và quay lại Sài Gòn thách đấu Mousetaza để báo thù trận thua nhục nhã năm xưa. Vì danh dự và sự khiêu chiến của đối thủ, Mousetaza thượng đài nghênh chiến. Nhưng vì ăn chơi, nghiện rượu nên chẳng mấy chốc, Ti Noi đã hạ Mousetaza phục thù.
Có người cho rằng, sau khi bị Ti Noi hạ, Mousetaza còn bị Kinh Kha (võ sư người Hoa, phái Bạch Mi) hạ gục. Sau này, sư đệ của Mousetaza là Long Mouse (tức Đới Văn Quý) đã rửa hận cho sư huynh bằng trận đánh hạ Kinh Kha với tuyệt chiêu cùi chỏ lật nổi tiếng. Liên tục thua trận, Muosetaza đã thấy mình bước sang bên kia sườn dốc của sự nghiệp. Lúc này, võ sư nổi tiếng ngày nào lâm vào cảnh bi đát. Vợ con bỏ đi, Muosetaza tìm đến rượu để giải tỏa uất ức và buồn bã. Võ sư Long Phi Báu cho biết, ông qua đời vì bệnh tật tại Bà Quẹo. Sự nghiệp thăng hoa của một võ sĩ phái Long Hổ Hội chấm dứt từ đó.
Một thế Thiếu Lâm Nững Xị của Long Hổ Hội
Những trận đánh nổi tiếng của cậu bé đánh giầy
Võ sư Chà Và Hương tên thật là Ngô Văn Hương, từng là cố vấn cho Hội Võ Cổ truyền TP.HCM. Chà Và Hương cũng là một võ sĩ khét tiếng Sài Gòn xưa. Ông hiện sống tại Thủ Đức (TP.HCM). Nói về Chà Và Hương, võ sư Long Phi Báu cho biết, đây là võ sư được học nhiều môn phái võ khác nhau. Chà Và Hương cũng từng học Thiếu Lâm Nững Xị của Long Hổ Hội nhưng không học trực tiếp từ sư tổ Lâm Hữu Hội mà học từ Mousetaza.
Chà Và Hương sinh ra tại đất Long Xuyên, An Giang và sớm lên Sài Gòn mưu sinh. Là con lai Chà giống sư phụ một thời nên ông được đặt họ Chà. Học hành dở dang, ông theo đám trẻ lang thang hành nghề đánh giầy ở Sài Gòn. Chính cuộc sống "đầu đường xó chợ" đã dẫn Chà Và Hương tới những võ đài. Một lần, tại Tây Ninh, vì muốn kiếm tiền nên Chà Và Hương đã lên võ đài đấu với một võ sĩ là đệ tử của võ sư Cao Thành Sang và bị võ sĩ này đánh cho tơi tả.
Chính sau trận thua này, ông về Sài Gòn và gặp Mousetaza tại Bà Quẹo để bái sư. Tại đây, ông được Muosetaza dạy cho các tuyệt chiêu Long Hổ Hội. Sau đó, cậu bé lai Chà theo học nhiều sư phụ của các môn phái khác nữa. Và trong những lần thượng đài từ miền Tây như Bến Tre, Mỹ Tho, Long Xuyên đến các tỉnh miền Đông, từ Tây Nguyên là Biên Hòa, Buôn Ma Thuật… rồi ra các tỉnh miền Trung như Bình Định, Khánh Hòa… Chà Và Hương chưa một lần nào thất bại.
Khi đã ngoài tuổi 30, ông quyết định giải nghệ tuy nhiên vẫn muốn đánh một trận lớn. Nghĩ thế, Chà Và Hương thách đấu "hùm xám miền Trung" là võ sư Hà Trọng Sơn tại Quy Nhơn. Hà Trọng Sơn nhận lời nhưng cho con trai là võ sĩ Hà Trọng Khôi, lính trinh sát chế độ cũ thượng đài. Trận đấu thu hút đông đảo người đến xem. Tuy nhiên, sau vài đòn, Hà Trọng Khôi liên tục dính đòn và nằm trên sàn đau đớn. Võ sư Hà Trọng Sơn phải rút khăn trắng xin thua cho con. Bác sĩ kiểm tra cho thấy Hà Trọng Khôi không thể tiếp tục thi đấu.
Sau trận đánh, Chà Và Hương về mở lò dạy võ tại Bình Thạnh (TP.HCM) và tham gia bảo kê các nhà hàng, sòng bạc tại Sài Gòn. Các đệ tử có máu mặt của Chà Và Hương là Phi Long (Tạ Văn Hường), Phi Hổ (Lê Văn Hậu), Phi Hải (Lê Văn Phước), Phi Hùng (Lâm Văn Phi) và nữ võ sĩ Cẩm Hồng được giới giang hồ gọi "ngũ hổ tướng". Họ đánh đấm, quậy phá khắp nơi. "Ngũ hổ tướng" cùng với hàng trăm đệ tử của Chà Và Hương bảo kê hầu hết các quán bar, nhà hàng, sòng bạc nằm trên đường Tự Do (nay là Đồng Khởi) và Hai Bà Trưng (quận 1, TP.HCM ngày nay)… Sau đó, những cuộc chiến giành lãnh địa của các băng đảng giang hồ khác như Đại Cathay, Tín Mã Nàm, Hải Phùng Kim... đã buộc Chà Và Hương dạt sang Biên Hòa (Đồng Nai) ngày nay. Sau khi đất nước thống nhất, Chà Và Hương đã quay lại nghiệp võ. Sau đó ông làm cố vấn cho Hội Võ Cổ truyền TP.HCM.
Trung Nghĩa
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét