Võ đường Hồ Ngạnh do võ sư Hồ Sừng làm chủ môn phái, ông sinh năm 1938, quê quán thôn Hòa Mỹ (từ làng võ Thuận Truyền tách ra), xã Bình Thuận, huyện Tây Sơn.
Võ sư Hồ Ngạnh
Nếu tính từ đời cố lão sư danh tiếng Hồ Ngạnh (tên thực là Hồ Nhu) đến đời võ sư Hồ Sừng và lớp con cháu hiện nay thì võ đường họ Hồ ở đất Thuận Truyền đã có 5 thế hệ chung tay phát huy sự nghiệp võ nghệ của tiên tổ.
Đây là một trong những võ đường có truyền thống lâu đời và có nhiều đóng góp cho võ cổ truyền Bình Định nói riêng võ cổ truyền Việt Nam nói chung.
Kể chuyện làng võ Thuận Truyền không thể không nhắc đến huyền thoại Hồ Nhu. Ngôi nhà võ đường họ Hồ hiện nay cũng chính là nơi xưa kia cố lão sư Hồ Nhu sinh sống và tập võ, truyền võ.
Võ đường Hồ Ngạnh hay làng võ Thuận Truyền này được nhắc đến nhiều bởi môn roi. Các bài roi Thất bộ, Thái Sơn, Bát quái, Tứ môn, Ngũ môn, Trực chỉ, Tấn nhất, Tiên ông… rồi ngay cả Lạc côn – bài roi của cố lão sư Hồ Nhu (ông nội võ sư Hồ Sừng) vốn được xem là di sản văn hóa phi vật thể quý hiếm của làng võ cổ truyền Thuận Truyền cũng là tài sản vô giá của võ cổ truyền Bình Định.
Đường roi Thuận Truyền cũng như võ đường Hồ Ngạnh đã được lan tỏa, phát huy mọi nơi trong các làng võ cổ truyền ở Bình Định và một số tỉnh, thành trong cả nước.
Địa chỉ võ đường Hồ Ngạnh: Xã Bình Thuận, Huyện Tây Sơn, Tỉnh Bình Định.
Số điện thoại: 01268552206 – Võ sư Hồ Bé (con trai của Võ sư Hồ Sừng).
Roi Thuận Truyền – Hồ Ngạnh
1- Hồ Ngạnh và đường roi tuyệt kỹ vang danh đất Thuận Truyền
Trong lịch sử võ cổ truyền Bình Định, nói đến roi Thuận Truyền, nhân vật mà người ta nhắc tới trước tiên với niềm tự hào và lòng tôn kính vô bờ là Hồ Ngạnh. Thật ra Ngạnh là tên con, còn tên thật của ông là Hồ Nhu.
Ông sinh năm 1886, quê quán ở thôn Háo Nghi, xã Bình An, trú quán tại thôn Hòa Mỹ xã Bình Thuận, thuộc tổng Thuận Truyền huyện Bình Khê.
Theo gia phả họ Hồ, song thân Hồ Nhu – ông Đốc Năm (Hồ Đức Phổ) và bà Lê Thị Huỳnh Hà – đều là những võ nhân cao thủ, đặc biệt là bà mẹ, đã ảnh hưởng rất quan trọng đến việc đào tạo tài năng võ thuật của con trai, đồng thời có công lớn trong việc khai sáng dòng võ họ Lê và họ Hồ trên đất Thuận Truyền.
Hồ Nhu được thọ giáo với nhiều thầy học khác nhau, học cả quyền và thập bát ban võ nghệ. Những võ sư mà Hồ Nhu theo học là Đội Sẻ, Hồ Khiêm…
Song hai người thầy ảnh hưởng quan trọng nhất trong cuộc đời Hồ Nhu là mẹ ông và một người thầy khuyết danh (bạn của cha ông, từng là tạo sĩ võ). Hồ Nhu sở trường về roi và thành danh cũng về roi. Đường roi của ông được giới chuyên môn truyền tụng là tuyệt kỹ vô song. Trong vô vàn giai thoại về vị võ sư khai môn dòng võ Thuận Truyền này, riêng chuyện ông học roi, luyện roi cũng đủ khiến ta khâm phục về tinh thần khổ luyện.
Năm Hồ Nhu tròn mười hai tuổi thì bà Lê Thị Huỳnh Hà nhờ một võ sư trong vùng dạy võ, tối về bà kiểm tra và uốn nắn cho con những chỗ sai. Khi thấy con đã thạo ngũ hành, thất bộ, bà bắt đầu dạy roi. Những đêm trăng sáng, bà dẫn con ra truông vắng, chọn một khoảnh đất bằng, chỉ dẫn từng chiêu thức. Người mẹ dùng than vẽ một vòng tròn trên mặt đất, cho phép con chỉ được di chuyển trong phạm vi vòng tròn đó. Bà yêu cầu rất cao về sự chuẩn xác trong đường nét, thân pháp và rèn tính cẩn trọng. Để thử uy lực trong đường roi của con, bà lấy bốn cái đĩa lớn đựng dầu phụng (dầu lạc), mỗi đĩa ngâm một ngọn bấc, đặt quanh vòng tròn rồi châm lửa vào đầu bấc. Bốn ngọn lửa bừng lên, khi nào ngọn gió từ đường roi phát ra làm tắt phụt cùng lúc là đạt.
Trong võ thuật, vũ khí không chỉ để công mà còn là để thủ. Công hay thủ đều đòi hỏi sự tinh nhạy của người đánh. Lúc Hồ Nhu đã tiến bộ, mỗi khi cậu múa roi, bà mẹ di chuyển xung quanh, dùng sỏi ném vào. Sỏi trúng vào roi vào người cắc cắc, bụp bụp. Ban đầu cậu đỡ đòn còn vụng về, sau điêu luyện dần, đường roi vun vút, tiếng sỏi va cắc cắc mỗi lúc một giòn. Những vốc sỏi ném vào bị đường roi của Hồ Nhu gạt rụng rào rào như một cơn mưa.
Việc ông tạo sĩ võ đến lánh nạn tại nhà họ Hồ là cơ duyên đặc biệt để Hồ Nhu tiến tới bước “đại thành” trong kỹ thuật đánh roi. Vị tạo sĩ này rất giỏi roi Kinh, thời còn tại triều ông đảm trách việc luyện roi cho quân cấm vệ hoàng thành. Trong những ngày lưu lại Thuận Truyền, khảo sát tâm tính và vốn võ nghệ của Hồ Nhu, ông tạo sĩ nhận ra một năng khiếu võ học hiếm có. Để đền ơn bạn đã cưu mang, ông quyết định luyện các ngón roi bí truyền cho cậu thiếu niên.
Người con đầu của Hồ Nhu tên là Ngạnh. Theo phong tục Bình Định, người ta gọi cha mẹ bằng tên con. Gọi riết thành quen, người đời gần như chẳng mấy ai nhắc tới tên húy của ông mà gọi luôn là Hồ Ngạnh.
Đặc điểm roi Hồ Ngạnh (hay đặc điểm roi Thuận Truyền) là lấy nghịch chế thuận, vận dụng triệt để phép âm dương để trả đòn, để đánh hạ đối thủ. Đường roi Lạc Côn Hồ Nhu học từ Hồ Khiêm là đường roi tuyệt kỹ với nguyên tắc cộng lực, dựa sức đối phương để đánh lại đối phương.
Còn ngón roi đánh nghịch độc đáo do vị tạo sĩ võ truyền cho, Hồ Nhu chỉ dùng đến khi đối phương là cao thủ mà để lộ sát khí, tức là có ý hãm ông vào chỗ chết.
Tương truyền ngọn roi khai tử của ông chấm vào sa mỡ của kẻ nào, là kẻ đó cầm chắc cái chết trong vòng ba, bảy ngày. Roi đổ thủy (một đầu chúc một đầu ngửa), roi rút (đánh hai đầu) và roi điểm huyệt cũng là các tuyệt chiêu của ông. Những ngón roi này ông chỉ truyền cho một vài học trò tâm đắc.
Mỗi bài roi Thuận Truyền – nay đã khá phổ biến ở Bình Định – gồm lời thiệu và động tác. Lời thiệu để dẫn dắt động tác, còn động tác là các đòn thế được tổ chức theo các phách roi cơ bản.
Các phách roi cơ bản là Bát, Bắt, Triệt, Chận, Hoành, Khắc, Lắc, Tém.
- Bát: phá đòn đánh từ trên xuống;
- Bắt: phá đòn đâm từ nửa thân trên;
- Triệt: phá đòn đánh tạt ngang sườn;
- Chận: phá đòn đánh phất của đối phương;
- Hoành: đưa ngang roi bên trái rồi bên phải để lựa thế tấn công địch thủ;
- Khắc: làm cho roi của đối phương văng ra xa;
- Lắc: né đòn tấn công đâm thẳng từ thắt lưng trở lên;
- Tém: tóm gạt tất cả đầu roi, đòn đâm thẳng của đối phương.
Trong đó, có phách nặng về thủ, có phách nặng về công, cũng có phách vừa thủ vừa công. Roi tiên quyền tiếp. với môn roi, bên ra đòn trước thường chiếm thế thượng phong.
Nhưng không phải lúc nào, trận nào anh cũng gặp thuận lợi để ra đòn trước, do đó phải biết thủ để tìm cơ hội. Thủ không có nghĩa là né đòn thụ động, mà phải biết cách phá trừ đòn của đối phương rồi liền đó ra đòn tiêu diệt đối phương.
Cũng có khi thủ là một cách trá bại để nhử đối phương vào thế. Các phách roi được sử dụng không phải nhất nhất theo thứ tự trên, mà phải linh hoạt.
Linh hoạt ở chỗ không chỉ vận dụng phách nào thích hợp, mà còn biết chuyển hóa hư thực trong từng phách. Sự linh hoạt ấy biểu hiện đa dạng, nhưng có thể rút ra mấy đấu pháp: dùng thủ để công, trước thủ sau công, trừ công để thủ, thủ giả công thật.
Tiếng tăm con nhà võ đi liền với thành tích trong giao đấu. Nhưng việc săn tìm danh tiếng là xa lạ với tính cách Hồ Ngạnh, vì ông trầm tĩnh, ít nói và chẳng bao giờ khoe khoang. Song ở đời hữu xạ tự nhiên hương, tiếng đồn Hồ Ngạnh giỏi roi khiến nhiều cao thủ tò mò.
Một bữa nọ ông đang tắm ở giếng thì một người đi đường bước tới hỏi xin nước uống và cầm cái gáo dừa chờ ông sớt nước cho.
Hồ Ngạnh vừa cúi xuống lấy gàu thì vị khách nọ vung gáo đập vào đầu. Nghe hơi gió, ông vung ngay dây gàu đỡ thân gáo rồi sẵn đà co chân xuất cước đá văng vị khách vô lễ khỏi thềm giếng.
Một lần khác Hồ Ngạnh đi ăn giỗ về hơi tối, bất chợt một bóng đen từ bụi rậm vác đao nhảy ra đón đường. Ông rút khăn lông trên vai vung lên, trong nháy mắt đoạt gọn cây đao.
Bóng đen chắp tay xin lỗi. Hỏi, người ấy thưa rằng nghe đồn ông Ngạnh giỏi nên muốn thử sức. Hồ Ngạnh chỉ cười không nói, quăng trả cây đao, đi thẳng.
Các võ nhân thử tài Hồ Ngạnh thì nhiều, nhưng có hai nhân vật nổi tiếng nhất là Dư Đành và Tàu Sáu.
Dư Đành, như đã nói, là một cao thủ võ lâm đương thời, cầm đầu một đảng cướp, hoành hành khắp vùng Tuy Viễn. Nghe tiếng Hồ Ngạnh Thuận Truyền, Dư Đành bèn nhắn tin hẹn gặp. Đêm đến, Hồ Ngạnh một mình một roi ra điểm hẹn.
Bè đảng Dư Đành chờ sẵn, mời ông hợp tác làm ăn. Hồ Ngạnh từ chối. Bên Dư Đành ra điều kiện nếu đấu thua phải gia nhập đảng cướp. Hồ Ngạnh chỉ cười khẩy. Thế là điểm hẹn nơi truông vắng xảy ra một trận thư hùng.
Mặc dù bên đối phương đông, Hồ Ngạnh không hề nao núng. Đàn em Dư Đành tuy vào hàng cao thủ, nhưng đều không phải là đối thủ của Hồ Ngạnh. Khi bọn đàn em bị đánh rạp, Dư Đành mới lộ diện.
Ngoài sức mạnh vô địch, Dư Đành còn có võ công lão luyện, nhưng trước đường roi thượng thừa của Hồ Ngạnh, tên chúa đảng khét tiếng không sao tìm ra chỗ hở. Thấy Dư Đành ỷ sức hung hăng, Hồ Ngạnh sử dụng tuyệt kỹ, đá văng thiết bản khỏi tay đối phương rồi xoay người giở thế đánh nghịch.
Ngọn roi phăng tới, Dư Đành biết kết cục đã đến, nhắm mắt chờ đợi, nhưng tay roi vừa chạm áo đối phương Hồ Ngạnh đã thu về.
Nhưng Dư Đành vẫn chưa chịu bỏ cuộc.
Một hôm Dư Đành cho đàn em lên rẫy Hồ Ngạnh nhổ hết củ mì (củ sắn) chất thành mấy giỏ lớn và cho người về báo cho Hồ Ngạnh rằng Dư Đành đang ở rẫy mì, nhắn Hồ Ngạnh ra gặp. Lúc Hồ Ngạnh tới nơi chỉ thấy mấy giỏ mì và đòn gánh để sẵn chứ không thấy người.
Đoán rằng Dư Đành âm mưu chờ mình quảy mì về sẽ tấn công nên Hồ Ngạnh quay về tay không. Quả nhiên Dư Đành đã phục sẵn bên hàng rào chè của một nhà gần đường đi với một cái bắp cày bằng gỗ kiền kiền nặng trịch.
Hồ Ngạnh vừa trờ tới, Dư Đành vung bắp cày ngang cổ ông đánh phạt qua. Nghe hơi gió, Hồ Ngạnh trụt xuống, bắp cày của Dư Đành đang đà phạt ngang cây bồ lời đứt tiện làm đôi như dao chém chuối.
Nhanh như chớp, Hồ Ngạnh di ngựa áp sát tới, chụp ngang bắp cày trên tay Dư Đành, rồi vận dụng phép cộng lực trong thế lạc côn, biến sức đối phương thành sức của mình, hất mạnh Dư Đành lọt vào giữa bụi tre đánh roạt. Mắc kẹt giữa bụi tre um tùm không cách nào thoát được, Dư Đành cất tiếng xin Hồ Ngạnh tha tội và đưa giúp mình ra ngoài.
Hồ Ngạnh giận, nói:
“Chú đánh hiểm vậy, tôi né không kịp thì đứt đầu rồi, còn xin tha sao?”
Dư Đành hạ mình:
“Tôi biết thế nào anh Chín cũng né được. Xin anh Chín rộng lượng bỏ qua. Từ nay tôi không dám nữa.”
Hồ Ngạnh thấy Dư Đành van nài tha thiết quá, bèn mượn cây rựa phát tre cho Dư Đành ra ngoài. Xúc động trước sự đối xử cao thượng của họ Hồ, Dư Đành quỳ gối cúi đầu tạ tội và thề sẽ không bao giờ dám xâm nhập đất Thuận Truyền. Quả nhiên từ đó về sau, Dư Đành giữ đúng lời hứa.
Tàu Sáu – Diệp Trường Phát, là một võ sư người Minh Hương ở An Thái. Việc thử tài của ông với Hồ Ngạnh là một ước định hữu hảo với hai môn côn, quyền, nhằm tìm hiểu tài nghệ của nhau nên giao hẹn không gây thương tích, chỉ dùng mực ghi dấu trên y phục của đối thủ.
Cuộc tỷ thí của hai ông diễn ra trước sự chứng kiến của rất nhiều người, lấy thời gian tàn một cây nhang tính một hiệp giao đấu. Qua mỗi hiệp hai người tự thông báo trên người mình có bao nhiêu dấu mực của đối phương.
Về quyền, mặc dù số dấu mực trên y phục hai bên bằng nhau, nhưng khi xem lại thì dấu mực Tàu Sáu trên áo Hồ Ngạnh nhạt hơn. Ông Ngạnh thẳng thắn thừa nhận mình thua Tàu Sáu một bậc.
Người xem thắc mắc, ông phân tích: Đường quyền thế cước của Tàu Sáu hàm chứa sức mạnh giông bão, nếu đi trọn có thể đoạt mệnh hoặc gây chấn thương nặng cho đối phương, nhưng do đã đạt đến mức vận hành công lực như ý nên dấu mực vừa điểm nhẹ trên áo Hồ Ngạnh, Tàu Sáu liền thu khí công về trong nháy mắt.
Về côn, hai ông cũng giở tất cả sở trường ra thi đấu, người xem không còn thấy rõ bóng người, chỉ thấy đường côn loang loáng và tiếng côn đập vang lên bôm bốp. Khi vừa tàn cây nhang, hai ông dùng thế hồi loan nhảy vút ra ngoài, bái tổ, rồi chào nhau, sắc diện vẫn điều hòa tươi tỉnh. Họ lại tự báo với nhau số dấu mực trên người. Tàu Sáu mang nhiều dấu mực hơn, ông kính cẩn hoành côn xá ông Ngạnh, ứng khẩu:
“Đoản côn Thuận Truyền duy hữu chủ”
Nghĩa là: Đoản côn chỉ có Thuận Truyền (Hồ Ngạnh) làm chủ.
Hồ Ngạnh mất năm 1976. Các học trò thống nhất tôn ông làm tổ sư của môn phái và lấy ngày giỗ ông (mồng 6 tháng 2 âm lịch) làm ngày giỗ Tổ hàng năm.
Buổi sinh thời cũng như sau khi ông khuất bóng, vì tài năng và uy tín võ học của ông quá lớn, nên ở quê hương ông, các thế hệ hậu sinh và khắp một vùng dân cư rộng lớn, khi nhắc đến vị võ sư đệ nhất tài hoa này đã dùng danh xưng Ông Chín để tránh gọi tên húy lẫn tên tục của ông.
Tuy vậy, trong những hồi ức hào sảng về ông, hai chữ Hồ Ngạnh vẫn buột ra trên môi người kể chuyện với một niềm tự hào khó tả. Hoặc đang một ván cờ tướng, người đi được một nước cờ hiểm đắc ý khoe đó là “nước cờ ông Ngạnh”. Ông như vẫn đang sống cùng mạch đời, ẩn hiện trong những đường roi kỳ diệu của đất võ Thuận Truyền.
2- Một số nhân vật nổi danh của dòng roi Thuận Truyền
Hồ Ngạnh có nhiều học trò giỏi: Xã Nung, Lê Thành Phiên, Xã Trước, Cả Đang, Tạ Thức, Xã Thọ, Hương bộ Lâm, Hương bộ Trọng, Huỳnh Xuyến, Hồ Tiền, Lê Bá Cừu, Dư Trốn, Nguyễn Song Bá, Tạ Cảnh, Sáu Được, Lâm Như Hiệp, Bảy Ghình, Hương bộ Trấp, Cửu Quyền, Dư Đính, Đặng Vĩnh Nghê, Hồ Sừng, Phan Canh, Đào Sĩ Tần, Lê Kim Bá, Phan Hộ, Lê Công Chanh, Dương Công Đạo, Mai Xuân Thiện. Hiện nay cháu nội của ông là Hồ Sừng tiếp tục nối nghiệp lò võ của ông.
Xã Nung tên thật là Nguyễn Thức, người làng Háo Đức, là học trò lớn nhất của Hồ Ngạnh. Ông giỏi võ, nhưng lầm lì ít nói và không tham gia vào các cuộc cao đàm khoát luận. Hai thôn Bính Đức vào Háo Đức cùng sống về nghề làm ruộng, thường có sự tranh chấp về nước tưới. Đêm đêm dân Bính Đức ra tháo nước khiến cho ruộng Háo Đức bị khô.
Người làng Háo Đức phẫn nộ nhưng ngại dân Bính Đức giỏi võ nên phải chịu thiệt. Xã Nung biết chuyện, một mình vác cuốc ra đồng đắp nước ruộng. Dân Bính Đức được tin, kẻ gậy gộc, người rựa quéo, đòn gánh ầm ầm kéo lên gây sự. Xã Nung không nói không rằng, bập lưỡi cuốc xuống bờ đất thịt, bẻ phăng cán cuốc làm roi, đánh tan cả mấy chục người. Từ đó dân Bính Đức không dám tháo nước ruộng làng Háo Đức nữa.
Lê Thành Phiên, tục gọi Hương bản Hào, là cháu họ của bà Lê Thị Huỳnh Hà. Lê Thành Phiên là đệ tử ruột của võ sư Hồ Ngạnh. Buổi sinh thời của sư phụ, ông được Hồ Ngạnh dẫn theo trong các du lãm. Các cao thủ không dám vô phép với Ông Chín, nhưng họ lại rất muốn đo lường quyền thuật và côn pháp Thuận Truyền nên lắm phen Lê Thành Phiên bị làm phiền. Thử tài ông có nhiều người danh tiếng: Hương kiểm Mỹ, Hương bộ Trọng, Bảy Ghình, … Hương kiểm Mỹ mới gặp ông đã đưa bông tiền đấm dứ trước mặt.
Nếu ông mắc lừa lui lại, Hương kiểm Mỹ sẽ mở bông hậu ra đòn tiếp. Đoán được thâm ý của đối thủ, ông không tránh mà một tay giở bông tiền đánh thốc tới đỡ đòn, đoạn tay kia ra tiếp liền bông hậu hất Hương kiểm Mỹ ngã vô cối giã gạo.
Sau chuyện này, Hương kiểm Mỹ ngộ ra chân lý
“núi cao còn có núi cao hơn”,
chuyên tâm tìm thầy hay để học tiếp, không ngừng nghiên cứu tập luyện, sau thành một võ sư lừng lẫy. Hương bộ Trọng nghe mọi người ca ngợi ông Phiên thì không phục, nói:
“Để ta làm một đá thử chơi”.
Nào ngờ thử rồi, từ chỗ coi thường chuyển sang bái phục. Bảy Ghình, một người cùng trang lứa với ông Phiên, cũng kiếm cớ so tài. Ông Ghình ra đòn nào ông Phiên hóa giải đòn nấy rất nhẹ nhàng, và cũng bằng một đường côn tuyệt kỹ khiến ông Ghình khuất phục, xin làm đồ đệ. Ông Phiên dẫn ông Ghình vào ra mắt thầy, từ đó Bảy Ghình thành học trò Hồ Ngạnh.
Nhiều phen ông Phiên phụng mệnh thầy nhận lời thách đấu của các cao thủ thập phương. Nổi tiếng nhất là trận đấu với Võ Nhuận.
Lê Thành Phiên theo thầy lên Tiên Thuận dạy võ, Võ Nhuận – một võ sĩ lừng danh ở Tiên Thuận tìm tới thách đấu. Thấy Võ Nhuận vóc vạc to lớn, bộ điệu nghênh ngang, lại có một đám người theo sau hậu thuẫn, Hồ Ngạnh hỏi Lê Thành Phiên:
“Con dám đấu không?”.
Lê Thành Phiên thấy Võ Nhuận to khỏe dềnh dàng thì có ý ngại:
“Thưa thầy, nó to xác quá, còn tôi nhỏ vầy, đấu sao cân?”.
Võ Nhuận hung hăng:
“Nếu sợ đấu quyền không lại thì ta đấu roi.”
Trước sự chứng kiến của đám đông và trước ánh mắt của thầy, Lê Thành Phiên nhận lời: “Được!”, nhưng trong bụng vẫn lo lo. Hồ Ngạnh giao hẹn: đánh để phân tài cao thấp, không được gây thương tích; rồi cho lấy vải thấm mực bịt đầu hai cây roi.
Hai bên nhận roi, bái tổ. Những người tới coi đấu ai cũng ái ngại cho Lê Thành Phiên. Không ai bảo ai, nhưng những kẻ hiếu kỳ dần dần đứng dạt về phía Võ Nhuận. Võ Nhuận ra đòn trước bằng thế đâm lỉa. Lê Thành Phiên nghiêng người né đòn rồi chấm roi liên tiếp vào bụng vào lưng đối thủ. Võ Nhuận xin thua, nhưng lại đòi đấu quyền. Lê Thành Phiên ban đầu chỉ né đòn để quan sát, thấy Võ Nhuận ỷ mạnh chứ ra đòn không kín.
Bằng một thế đòn thấp, ông tiếp cận đối phương rồi nghiêng mình tung một đá, Võ Nhuận trúng đòn văng ra tới ba thước.
Một lần đấu roi với một võ sư ở Phù Cát. Một lần đấu quyền với một võ sĩ Quyền Anh có cân nặng gấp ba trọng lượng ông. Ba lần thượng đài tại các sàn đấu quốc gia tại Quảng Ngãi, Bình Định.
Chiến thắng, đó là mùi vị duy nhất Lê Thành Phiên nếm qua trong nghiệp võ. Đoản côn, trường côn, trường thương, xà mâu, độc phủ, đặc biệt là siêu vào tay ông như có linh hồn. Lập bộ vững như núi thái sơn, tiến thoái như rồng như hổ, uy lực dũng mãnh, phong thái phi phàm – ông xứng danh là học trò yêu của Hồ Ngạnh.
Trong cuốn sổ ố vàng mà ông cất giữ cẩn thận như báu vật, là những dòng chép tay về phả hệ họ Hồ, họ Lê; các bài võ, bài thuốc ông học từ thầy Hồ Ngạnh, có cả những bài dịch ra thể lục bát cho dễ nhớ. Đó là những tư liệu quý giá ròng ròng kỷ niệm của một cuộc đời gắn bó cùng nghiệp võ.
Sáu Được là một học trò giỏi của Hồ Ngạnh, từng giành nhiều chiến thắng lừng lẫy trong các trận đấu đài ở miền Nam. Lập nghiệp xa quê, ông chiết hai chữ Bình Định – Tây Sơn lập nên võ đường Bình Sơn ở Kon Tum, rất đông học trò. Một số võ đường nổi tiếng tại Tây Sơn bắt nguồn từ dòng võ Thuận Truyền có thể kể Hồ Sừng, Đặng Vĩnh Nghê, Hồ Sơn Kỳ, Lê Công Chanh, Mai Xuân Thiện …
Các học trò giỏi của Võ sư Hồ Ngạnh, người thành danh với thành tích thi đấu, người mở võ đường thành danh sư của một vùng, người khoác áo tu hành trở thành trụ trì ở những ngôi chùa danh tiếng, người sớm khuya vui với ruộng đồng xóm mạc… đều góp phần làm vẻ vang tổ nghiệp. Hỏi, chẳng ai khoe, nhưng nếu gặp họ trong ngày giỗ Tổ, hoặc một tình huống mà người trong cuộc là họ phải trả lời bằng ngôn ngữ đặc trưng của con nhà võ, thì hồn vía của Đất võ Thuận Truyền sẽ hiển hiện trong từng cử động, từng đường roi thế kiếm xuất thần.
3- Lò võ Hồ Sừng và việc duy trì nghiệp tổ
Võ sư Hồ Sừng là cháu nội của Hồ Ngạnh. Thân sinh mất sớm, ông được ông nội đích thân truyền dạy võ nghệ. Thông suốt võ kinh, võ đạo và nắm giữ toàn bộ di sản võ thuật tông phái họ Hồ, tuy nhiên, do bản tính thuần hậu và sức khoẻ có phần hạn chế, võ sư Hồ Sừng ít dự vào các cuộc tỷ thí tranh chức vô địch.
Nối nghiệp nội tổ, ông mở võ đường tại thôn Hòa Mỹ, xã Bình Thuận, huyện Tây Sơn; đào tạo các bộ môn võ cổ truyền, đặc biệt là côn pháp. Học trò theo học rất đông. Có một quy ước bất thành văn tại làng võ Thuận Truyền, đó là các học trò sau khi làm lễ bái sư, sẽ được lấy họ Hồ gắn với tên mình để làm danh xưng trong làng võ.
Về già hay đau yếu, ông giao quyền điều hành võ đường cho con trai đầu, võ sư Hồ Cương. Trong các giải võ cổ truyền cấp tỉnh và cấp quốc gia, học trò Hồ gia được mời tham gia và luôn luôn lập thành tích cao trong thi đấu.
Con cháu của Hồ gia như Hồ Bé, Hồ Sửu, Hồ Hiệp, Hồ Sỹ, Hồ Dư, Hồ Thứ, Hồ Thị Kim Tâm, Hồ Thị Thảo, Hồ Đức Hạnh…đều sớm bộc lộ năng khiếu võ thuật, người mở lò dạy võ tại nhà, người được chọn vào đội võ thuật của Bảo tàng Quang Trung. Đặc biệt, lò võ Hồ gia đã cung cấp cho Câu lạc bộ Võ thuật cổ truyền tỉnh Bình Định nhiều nhân tài võ thuật: Hồ Thị Diêu, Hồ Văn Núi, Hồ Văn Tú…
Từ năm 2002 đến nay, các võ sĩ xuất thân từ lò võ Hồ Sừng (do võ sư Hồ Cương, Hồ Văn Bé và huấn luyện viên Hồ Sỹ đào tạo) đã liên tiếp giành được nhiều giải thưởng lớn tại các cuộc liên hoan, giải vô địch võ cổ truyền…
(nguồn báo Binh Định)
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét