Thứ Sáu, 24 tháng 8, 2018
Triệu Trúc Khê (1900-1991). Rất khó khăn trong việc sưu tầm tư liệu về vị tổ sư môn phái Thái cực Đường Lang quyền ở Việt Nam này vì hai lẽ: Một là Triệu sư phụ sang truyền bá môn phái này trong thời gian chiến loạn liên miên, bôn ba từ Bắc vào Nam, từ Việt Nam sang Ma Cao, Hồng Kông. Hai là “Thập nhị thái bảo” - tức 12 vị đại đệ tử giỏi nhất của ông đều đã qua đời hoặc già yếu, các môn sinh của Hội Thái cực Đường Lang ở Chợ Lớn, TP.HCM hiện nay chỉ biết về vị Sáng tổ của mình một cách mơ hồ, thậm chí còn gọi sai tên ông thành Triệu Khúc Khê hoặc Thúc Khê…Chúng tôi may mắn có được những tư liệu về thân thế và hành trạng của Triệu sư phụ (bản Hoa văn) từ Tổng hội Thái cực Đường Lang Hồng Kông - nơi ông ở lại đến cuối đời.
Chưởng môn nhân đời thứ 8
Triệu Trúc Khê tự là Trường Khanh, sinh năm Quang Tự thứ 26 (1900, tài liệu tiếng Việt ghi năm 1894) tại trấn Sa Hà, huyện Dịch, tỉnh Sơn Đông, Trung Quốc. Gia thế bần hàn, mất cả cha lẫn mẹ, ở với cậu mợ bị hành hạ không chịu nổi nên lén trốn đi, phiêu bạt đầu đường xó chợ. Duyên may gặp được một hòa thượng đưa về chùa Trí Tạng trên núi Đại Trạch nuôi nấng. Trong chùa có hai vị đại sư là Thanh Tuyền và Giác Đông đều là cao thủ của Thái Tổ môn (Thiếu Lâm Thái Tổ quyền), thấy Trúc Khê lanh lợi mới thay nhau truyền dạy cho môn võ bí truyền này. Triệu Trúc Khê khổ luyện hơn 10 năm, công phu thâm hậu, lại luyện thành hai môn vũ khí là Thất tiết Mai hoa tiên (roi 7 khúc) và Phi đà (còn gọi thằng tiên, là sợi dây dài một đầu dây có buộc một quả tạ) đến mức thượng thừa.
Hình tượng con bọ ngựa luôn được môn sinh Đường Lang quyền quán tưởng: biểu trưng của lòng dũng cảm, thà chết không lui. Sau khi cả 3 vị ân sư viên tịch, Triệu Trúc Khê 19 tuổi hạ sơn về quê. Do lúc lên núi thì vẫn còn là thần dân triều Mãn Thanh, tóc vẫn quấn đuôi sam, khi xuống núi mới biết đã qua thời Dân quốc gần chục năm (cách mạng Tân Hợi 1911 lật đổ triều Thanh). Trúc Khê vào Đức Thắng tiêu cục ở Sa Hà thi thố công phu với các cao thủ, được tiêu đầu Dư Thông Hải nhận làm tiêu sư, chuyên đi áp tải hàng hóa cho các thương nhân.
Trong thời gian làm tiêu sư, Triệu Trúc Khê được biết trên núi Yên Đài, trong đạo quán Thanh Phong có đạo sĩ Trương Vạn Thu là truyền nhân đời thứ 11 của Trương Tam Phong - Tổ sư phái Võ Đang, bèn lên xin làm đồ đệ. Trương Vạn Thu truyền thụ Thái cực chưởng cho Trúc Khê. Khi luyện thành, Trúc Khê hỏi thầy gọi tên môn Thái cực chưởng này là gì, do lúc ấy thầy trò đứng trên đỉnh núi, mây cuốn sát đầu tưởng như dùng tay có thể chạm được, Trương đạo sĩ nói: “Hãy gọi là Ma vân chưởng”. Về sau Thái cực Ma vân chưởng là công phu kỳ bí, độc đáo trong hệ thống bài bản “Trúc Khê Thái cực Đường Lang”.
Một lần đi bảo tiêu, xe hàng bị bọn sơn tặc tấn công, tên đầu lĩnh giao đấu với Triệu Trúc Khê sử dụng một loại võ công lạ với chiêu thức cương mãnh, hiểm ác mà ông chưa từng gặp, không thể dùng quyền hóa giải được, đành dùng tuyệt kỹ Phi đà mới ném hạ được hắn. Trở về, Trúc Khê âm thầm dò xét, tìm hiểu mới biết võ công của sơn tặc kia là Đường Lang quyền (môn võ mô phỏng tư thế con bọ ngựa), từ đó ông hạ quyết tâm phải học môn võ này. Triệu Trúc Khê từ giã nghề bảo tiêu, tìm đến danh sư Thái cực Đường Lang quyền là Nhậm Phong Thụy xin học ba năm. Sau lại theo sư huynh của Nhậm Phong Thuỵ là Trì Thủ Tấn - chưởng môn đời thứ 7- học luôn bốn năm nữa, am tường các tuyệt kỹ của Thái cực Đường Lang như Bát đại mã bộ, Băng bộ, Tiểu đại phiên xa, Đơn mai hoa, Lan tiếp, Thượng hạ bát trửu, Âm thủ côn, Thái cực kiếm…
Hành trình về phương nam
Khoảng năm 1928, Triệu Trúc Khê lập võ quán ở Yên Đài dạy Thái cực Đường Lang, môn sinh rất đông. Một lần có một thầy tướng số nói với Trúc Khê rằng: “Bắc nhân sinh nam tướng, ông là người phương bắc mà có tướng phương nam, nên phát triển sự nghiệp ở phía nam mới phải”. Triệu Trúc Khê nghe lời, cùng đệ tử Khương Mật Linh theo một thương nhân bán lụa là Lý Mãn Đường đi từ Sơn Đông xuống Quảng Đông, Hồng Kông. Không ngờ khi đến Macao, Lý Mãn Đường lấy toàn bộ tiền bạc của hai thầy trò trốn đi mất. Sư đồ họ Triệu phải ra đầu đường mãi võ kiếm sống. Nhờ công phu siêu quần, Triệu Trúc Khê được cao thủ Nam quyền là Quách Văn Tử mến mộ, kết bạn và giúp đỡ làm Tổng giáo luyện Tinh Võ hội Macao. Võ sư các nơi tìm đến kết giao, hình thành nên “Thập tam Thái bảo”-13 cao thủ nổi tiếng một thời. Năm 1937, quân Nhật chiếm Trung Hoa, Triệu Trúc Khê nhiều phen về Quảng Châu, Trung Sơn cứu trợ nạn dân, lại huấn luyện tuyệt chiêu Trảm mã đao cho đội Đại đao trong Quân giải phóng Quảng Đông.
Sau năm 1940, người anh em kết nghĩa của Triệu Trúc Khê là Bàng Thuần Lễ, lúc này là hội trưởng Tổng Thương hội người Hoa tại miền Bắc Việt Nam, mời ông sang Hải Phòng vừa làm bảo tiêu, vừa dạy võ cho 2 con là Kim Tương, Kim Bôi, đồng thời giúp ông mở y quán chữa trật đả và dạy Thái cực Đường Lang. Khoảng năm 1946, danh tiếng về võ thuật và y thuật của Triệu sư phụ đã lan xa, được mời đến dạy ở Hội quán thể dục người Hoa, nhà hàng Thắng Lợi, khách sạn Vĩnh Long… các cao đồ thì học ở nhà riêng với môn qui rất nghiêm. Năm 1954, Triệu Trúc Khê đưa cả nhà vào miền Nam, ở sát bên Chùa Bà Thiên Hậu ở đường Nguyễn Trãi, Chợ Lớn, mở y quán chữa trật đả. Tinh Võ thể dục hội Sài Gòn lúc này phát triển rất mạnh, mời ông về làm Tổng giáo luyện võ thuật (huấn luyện viên trưởng) thay cho Tạ Lâm Tường. Có lần, võ sư Trần Tử Long đến khiêu chiến, học trò Triệu sư phụ là Lý Hỏa Yên muốn thay thầy tiếp đấu nhưng ông không chịu. Ngày quyết đấu, do người hâm mộ kéo đến quá đông và cá độ quá lớn nên bị cảnh sát lấy lý do trị an giải tán võ đài.
Tháng 4-1959, Triệu Trúc Khê đi truyền dạy Thái cực Đường Lang ở các công hội Thánh Tâm, Biên Hòa, Hội ký giả Hoa văn, các hội quán như Sùng Chính, Nghĩa An, Lệ Chí, Quảng Triệu…Ông cũng là người sáng lập ra Đội Việt kịch (tuồng cổ Quảng Đông) lừng danh một thời ở Sài Gòn.
Về Hồng Kông
Sau cuộc tấn công năm Mậu Thân 1968, Sài Gòn rúng động, Triệu Trúc Khê truyền giao lại quyền điều hành, huấn luyện cho các đại đệ tử, đưa vợ và con gái Triệu Hán Bình về Hồng Kông, tiếp tục mở võ quán dạy Thái cực Đường Lang tại đường Bạch Sa, Đồng La. Ông thường tổ chức các buổi biểu diễn tuyệt kỹ bản môn để quyên tiền làm từ thiện, nổi tiếng khắp nơi. Tờ Hoa kiều nhật báo từ năm 1972 từng miêu tả: “Triệu sư phụ biểu diễn Phi đà, cho một người bất kỳ ngậm một điếu thuốc mới châm, đứng cách xa khoảng 20 bước, Triệu sư phụ khẽ xoay người, quả phi đà bằng sắt phóng vụt ra như tia chớp về đầu người ngậm thuốc, người xem đều tái mặt. Phi đà thu về rồi, người ngậm thuốc vẫn không hay rằng đầu điếu thuốc đã bị quả tạ sắt dập tắt”. Năm ấy Triệu Trúc Khê đã ngoài 70 tuổi. Ngày 24-6-1991 ông qua đời đúng vào ngày giỗ Tổ của môn phái.
Hiện nay, ngoài VN và Trung Quốc, tại các nước như Canada, Mỹ, Pháp, Úc… đều có lập Thái cực Đường Lang đồng học hội với số lượng võ sinh lên đến hàng vạn người, tất cả đều nhờ công truyền dạy của Triệu Trúc Khê. Mỗi năm vào cuối tháng 8, Hội Thái cực Đường Lang ở Mỹ đều chọn ra một ngày quy tụ võ sinh môn phái từ các nước đến để họp mặt, tưởng niệm Sư tổ Triệu Trúc Khê.
Hình tượng chiến đấu dũng mãnh của con bọ ngựa luôn được môn sinh Đường Lang quyền quán tưởng. Xưa nay người ta thường chế giễu hình ảnh bọ ngựa giơ càng chống xe, ví như kẻ không biết lượng sức mình, đâu hay rằng đó là biểu trưng của lòng dũng cảm, quyết chiến quyết thắng, thà chết không lui.
Kim Văn
Tags:
LÀNG VÕ
Bạn đang xem THÁI CỰC ĐƯỜNG LANG - TRIỆU TRÚC KHÊ (1900-1991) tại TỦ SÁCH VÕ THUẬT 123
Đừng quên CHIA SẺ BẢN PDF MIỄN PHÍ đến những Bằng Hữu đam mê Võ thuật nếu bài viết có ích !
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét